Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

VPF du học Hàn Quốc - Chi tiền tỷ, thu được gì?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đêm qua (19/11), lãnh đạo VPF, VFF và đại diện hàng chục đội bóng V.League, hạng Nhất đã lên đường bắt đầu chuyến du học ngắn ngày tại xứ sở Kim chi.

Cả tỷ bạc được chi cho chuyến đi với mục tiêu tìm được sự đột phá trong tham vọng xây dựng một nền bóng đá chuyên nghiệp thực sự.

Tại sao là Hàn Quốc?

Nhiều người băn khoăn, tại sao VPF lại đưa người sang Hàn Quốc du học? Bởi trước nay, từ VFF đến VPF đều coi Nhật Bản là hình mẫu để hướng tới. Họ có mối quan hệ chiến lược với nền bóng đá phát triển nhất châu lục. Công tác tổ chức giải của V.League được áp dụng theo công nghệ Nhật Bản. Hai năm liên tiếp, VPF mời các chuyên gia bóng đá từ đất nước Mặt trời mọc sang làm Trưởng Ban tổ chức giải. Nhiều người cho rằng, VPF chấp nhận chơi sang là để học được cách tổ chức điều hành giải đấu chuyên nghiệp của Nhật Bản. Bây giờ, các chuyên gia Nhật đã về nước nhưng đường ray họ tạo ra giúp những người kế nhiệm dễ dàng tiếp cận thành công.
CLB Jeonbuk Hyundai Motors đã gây được tiếng vang tại Hàn Quốc và trên toàn châu Á
CLB Jeonbuk Hyundai Motors đã gây được tiếng vang tại Hàn Quốc và trên toàn châu Á
Thật bất ngờ khi VPF quyết định chọn Hàn Quốc thay vì Nhật Bản là điểm đến. Người trong cuộc thì khẳng định, bóng đá Hàn Quốc cũng có nhiều điều đáng để học hỏi. Họ có một giải đấu chuyên nghiệp cùng khả năng quản trị rất cao. Tất nhiên, xét về mức độ phát triển và chuyên nghiệp thì bóng đá Hàn Quốc không thể cao bằng Nhật Bản, nơi mà người ta làm gì cũng tốt. Không học được Nhật thì noi theo Hàn Quốc cũng là việc nên làm. Tuy nhiên, nhiều người lại khẳng định, chuyến đi tham quan kết hợp với… đi chơi này đơn thuần chỉ là lời cảm ơn từ VPF đến các thành viên sau một mùa giải khắc nghiệt. Các đội bóng học hỏi được điều gì cũng tốt, còn không thì họ cũng ghi nhận là VPF có nỗ lực trong việc tìm ra con đường đi đến sự chuyên nghiệp. Chỉ có điều, cái giá để tìm được sự ghi nhận ấy chẳng rẻ chút nào. Và nhiều người thấy tiếc, bởi nếu số tiền ấy được dùng hỗ trợ cho các đội bóng thì tốt biết mấy.

Chuyên nghiệp kiểu Việt Nam

Các đội bóng muốn thông qua chuyến đi này học hỏi được một mô hình bóng đá chuyên nghiệp để noi theo. Nhưng nên nhớ rằng, hoàn cảnh kinh tế, xã hội và những nền tảng quyết định đến sự phát triển bóng đá tại Hàn Quốc và Việt Nam quá khác nhau. Không thể rập khuôn công thức phát triển tại Hàn Quốc hay bất cứ nơi đâu cho bóng đá Việt Nam. Nói đơn cử, ở nhiều nền bóng đá phát triển, nguồn thu từ bán vé là tối quan trọng nhưng tại Việt Nam, nhiều đội bóng không thể bán vé, hoặc có thì chẳng đáng là bao. Nói thế là bởi, bóng đá ở Việt Nam chưa phải là hoại hình giải trí, nó còn mang nặng yếu tố phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội của địa phương và ngành. Thêm nữa, người hâm mộ cũng chưa có thói quen mua vé để nuôi đội bóng, và chất lượng các trận đấu cũng chưa đủ cao để người ta phải móc hầu bao mua vé.

Vậy nên, sẽ chẳng có một sự chuyên nghiệp tuyệt đối tại bóng đá Việt Nam. Cái mà các đội bóng cần phải học hỏi chính là tư duy kinh doanh chuyên nghiệp và sự ứng biến một cách linh hoạt với hoàn cảnh thực tế của xã hội. Nếu không có được cách tiếp cận một cách nhạy bén, sự giải phóng về tư duy làm bóng đá cùng một cơ chế đủ thông thoáng, gắn chặt được trách nhiệm của địa phương, ngành, các ông bầu và người hâm mộ thì bóng đá Việt Nam sẽ chẳng bao giờ có thể phát triển một cách bền vững. Vậy mới nói, các chuyên gia bóng đá đi học nhưng cái mà họ cần phải học trước tiên chính là tư duy phải kiếm tiền thay vì thụ động ngồi chờ để được tiêu tiền.