Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

VPF sống nhờ…VFF

Chia sẻ Zalo

KTĐT - VPF được thành lập với kỳ vọng sẽ mang đến sự đột phá trong công tác tổ chức giải. Để rồi sau đó, tổ chức này sẽ trở thành đầu tầu kéo cả nền bóng đá đi lên. Nhưng chỉ sau một năm, người ta thấy VPF có nhiều hạn chế, đặc biệt là khả năng tìm kiếm tài trợ.

Nhà tài trợ tháo chạy

Sự cố liên quan đến bầu Kiên đã mang đến những hệ lụy tiêu cực cho VPF. Đến nay, việc tất toán những bản hợp đồng với các thành viên của Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam vẫn chưa hoàn thành. Chỉ có một vài đơn vị chấp nhận chuyển 5 tỷ đồng vào tài khoản của VPF. Số đông các mạnh thường quân còn lại vẫn chưa thể hiện thái độ trước yêu cầu của VPF. Đơn giản bởi, trước đây, mọi ràng buộc chỉ là hứa miệng giữa bầu Kiên với các nhà lãnh đạo của doanh nghiệp. Thế nên, khi ông Kiên vắng mặt, VPF đang gặp khó trong việc ký và thanh lý bản hợp đồng tài trợ cho V.League.

Nếu các nhà trợ không chuyển 50 tỷ đồng vào tài khoản của VPF thì công ty này sẽ gặp khó. Đơn giản bởi, họ đã phải hoàn thành trách nhiệm tài chính với các đài truyền hình để đổi lại sóng quảng cáo cho các thành viên của Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam. Và, một thông tin đáng được quan tâm là đến thời điểm hiện tại, chính các quan chức VPF cũng không dám chắc sẽ kêu gọi được 10 doanh nghiệp lớn tham gia Hội đồng bảo trợ vào mùa giải 2013.

VPF sống nhờ…VFF - Ảnh 1

Ký kết tài trợ cho V.League 2013.

Thêm một cú sốc nữa đến với VPF là việc, nhà tài trợ Tôn Hoa Sen rút khỏi giải hạng Nhất và Cúp quốc gia. Điều này xuất phát từ lỗi chăm sóc khách hàng chứ không phải Tôn Hoa Sen đã hết mặn mà với bóng đá. Bởi lẽ, sau khi kết thúc hợp đồng với VPF, Tôn Hoa Sen đã quay về gắn bó với VFF thông qua giải U19 quốc gia.

Đối tác VFF cứu VPF

Eximbank chính là đối tác chiến lược của VFF trong nhiều năm qua. Đương kim Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng này. Những tưởng, từ sau khi VPF dám ly khai khỏi VFF thì ông Dũng sẽ cắt hợp đồng tài trợ với V.League. Nhưng, thời gian qua, giới thạo tin biết rằng, VPF đã biết điều hơn, họ chính thức thừa nhận mình là một thành viên của VFF. Điều này không chỉ giúp VPF giữ chân được nhà tài trợ Eximbank ở V.League mà còn tránh được một bàn thua ở mặt trận tài chính.

Ngày hôm qua, Eximbank chính thức công bố gói tài trợ 47,5 tỷ đồng cho cả ba giải đấu mà VPF đang quản lý. Điều này sẽ giúp cho VPF tạm thoát khỏi một cuộc khủng hoảng về tài chính. Nhưng, vấn đề mà dư luận đang quan tâm là năng lực của bộ máy điều hành, tiếp thị của VPF như thế nào mà không thể kêu gọi được những nhà tài trợ mới. Họ tiếp tục phải sống dựa vào những mối quan hệ của VFF. Và nếu một ngày không đẹp trời nào đó, ông Dũng rút lui khỏi VPF thì nguồn tiền sẽ bị cắt, công tác tổ chức giải sẽ bị ảnh hưởng.

Dư luận từng rất hy vọng vào sự đột phá về tài chính mà VPF sẽ mang lại. Nhưng rút cuộc, sau một năm, mọi sự vẫn giậm chân tại chỗ. Và quan trọng hơn, một bộ máy nhân sự khổng lồ đã hình thành, tiêu tốn không ít tiền, nhưng vẫn phải dựa vào những mối quan hệ cũ. Nên chăng, đã đến lúc ngành thể thao và bản thân VFF phải có những hành động quyết liệt nhằm tái cơ cấu, nâng cao năng lực hoạt động của VPF.