Đang có tranh luận xung quanh việc VPF nên trả cổ tức, hay khoản tiền hỗ trợ cho cổ đông. Tuy nhiên, với giới tài chính, nhìn vào bản báo cáo tài chính của VPF người ta thấy sự thiếu bền vững.
Hỗ trợ cho ông chủ
Tại Đại hội cổ đông vừa qua, đại diện CLB FLC Thanh Hóa đã chất vấn Hội đồng quản trị VPF về khoản tiền được chia cho các cổ đông. Theo ông Nguyễn Trọng Hoài - Giám đốc điều hành FLC Thanh Hóa thì “khoản tiền hỗ trợ của VPF cho các đội bóng phải được hiểu là cổ tức được chi trả cho cổ đông. Không thể gọi là khoản hỗ trợ tài chính bởi lợi nhuận của VPF phải thuộc về các cổ đông, ông chủ của công ty. Mà đã là cổ tức thì phải chia theo tỷ lệ cổ phần nắm giữ của các cổ đông, không thể có chuyện chấm điểm, chia theo thang bậc. Bởi lẽ, khi tham dự giải, các đội bóng đã chịu sự chế tài của điều lệ giải. Sai thì chịu phạt, có thành tích được hưởng nên không thể có chuyện trừ điểm vì vi phạm trong tổ chức giải vì sẽ dẫn đến tình trạng phạt chồng phạt”.
Trước chất vấn của cổ đông, đại diện VPF khẳng định, VPF đã tách khoản tiền chia cho các cổ đông thành hai loại. Khi dự V.League, mỗi đội bóng đương nhiên được nhận một khoản tiền lên đến vài trăm triệu đồng. Số còn lại được tính dựa trên sự chấp hành quy chế bóng đá chuyên nghiệp của các đội bóng. Tuy nhiên, ý kiến này nhận được sự phản hồi của một số đội bóng là phải rạch ròi giữa chuyện phạt và thưởng. Nếu đội bóng sai sót, Ban tổ chức sẽ phạt và ngay lập tức phải nộp tiền. Còn khoản tiền thưởng từ VPF nên được chia theo thứ bậc mà các đội bóng đạt được trong mùa giải. Đội bóng càng có thứ hạng cao thì càng nhận được tiền và điều này sẽ khuyến khích người trong cuộc có thêm động lực thi đấu.
Những con số biết nói
Báo cáo kết quả kinh doanh, năm 2014, VPF dự kiến có doanh thu 101 tỷ 498 triệu đồng, đạt tỷ lệ 87,5%; Chi phí của công ty này là 101 tỷ 235 triệu đồng, đạt tỷ lệ 92,05%. Lợi nhuận của VPF ước đạt 245 triệu đồng. Năm 2016 VPF dự kiến thu: 122 tỷ 646 triệu đồng; dự kiến chi: 120 tỷ 831 triệu đồng, lợi nhuận dự kiến: 1 tỷ 815 triệu đồng.
Với những con số trên, có thể nói, VPF có nguồn thu tương đối lớn, nhưng lợi nhuận không thể nói là cao khi chỉ có vài trăm triệu đồng. Sự tích lũy của công ty này vì thế mà thấp và trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn thì đây thực là điều đáng lo ngại. Tất nhiên, sẽ có người nói rằng, lợi nhuận của VPF sẽ cao hơn nếu không phải hỗ trợ các đội bóng số tiền lên đến cả chục tỷ đồng trong năm 2015. Tuy nhiên, đã là công ty cổ phần, VPF phải có trách nhiệm chi trả cổ tức cho những cổ đông.
Vấn đề lúc này là VPF phải đa dạng được nguồn thu và giảm tối đa những khoản chi không cần thiết. Bên cạnh đó, cần phải có những động thái nhằm cải thiện chỉ số về tài chính thông qua việc tăng cường lợi nhuận, ngân quỹ hoạt động cho công ty này. Nói thế là bởi, khoản thu lớn nhất của VPF đến từ các nhà tài trợ V.League, hạng Nhất và Cúp quốc gia. Số tiền này đến gần 100 tỷ đồng và cần phải lường đến những kịch bản xấu, khi mà công tác vận động tài trợ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, VPF cũng phải tích cực hơn nữa trong việc tìm kiếm thật nhiều nhà tài trợ, nhà bảo trợ cho bóng đá để có thể tạo ra dòng tiền hỗ trợ một cách mạnh mẽ hơn cho các cổ đông, những đội bóng vốn đang gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian qua. Nếu thiếu sự hỗ trợ một cách bền vững từ VPF, sự ổn định của các đội bóng là rất khó trong bối cảnh các DN đang thu hẹp việc quảng cáo, khuếch trương thương hiệu.