Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ gian lận của thương hiệu Khaisilk làm nóng ran dư luận: Hệ lụy khôn lường

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mấy ngày qua, vụ việc gian lận trong bán hàng của thương hiệu Khaisilk đã làm nóng ran dư luận xã hội. Cũng từ vụ việc này, câu chuyện xây dựng và bảo vệ thương hiệu bền vững cho các DN Việt trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh hội nhập đầy tính cạnh tranh hiện nay.

Vì lợi nhuận trước mắt
Chuyện ồn ào dư luận của DN tư nhân Khaisilk là một ví dụ điển hình của việc DN chưa biết trân trọng thương hiệu mà họ đã nỗ lực tạo dựng. Cho dù ông Hoàng Khải, chủ thương hiệu Khaisilk đã chính thức lên tiếng thừa nhận bán khăn lụa tơ tằm xuất xứ "made in China" và xin lỗi người tiêu dùng, song có một điều ông Khải sẽ khó lấy lại được, đó chính là niềm tin của người tiêu dùng đối với thương hiệu Khaisilk. Điều này cũng đồng nghĩa rằng, thương hiệu mà DN này dày công xây dựng nhiều năm qua đã đổ vỡ khi khách hàng quay lưng lại với sản phẩm Khaisilk. Nguy hại hơn, ngay cả những lĩnh vực khác mà chủ DN Khaisilk đang đầu tư như du lịch, ẩm thực, bất động sản... cũng có thể bị những tác động mạnh từ sự cố này.
Trước đó, dư luận hẳn vẫn chưa thể quên những thương hiệu như Tân Hiệp Phát, Cà phê Buôn Mê Thuột, nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre… vì chưa chú trọng đăng ký sở hữu trí tuệ hay để xảy ra lỗi trong sản xuất, kinh doanh mà phải chịu nhiều phí tổn để tìm lại thương hiệu cho mình.

Bà Lương Thanh Hạnh quyết định lựa chọn dệt đũi Nam Cao để tạo dựng thương hiệu Hanhsilk.  Ảnh: Khắc Kiên

Hiện nay, cùng với xu thế chung, các DN Việt Nam đã chú trọng nhiều hơn đến việc xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, để tạo dựng được một thương hiệu riêng, có sức hút không phải là điều đơn giản. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, muốn phát triển bền vững và ổn định, các DN buộc phải xây dựng thương hiệu một cách bài bản. Tuy nhiên, một số DN thực hiện việc này thiếu chuyên nghiệp. Thậm chí, nhiều DN Việt Nam vất vả hàng chục năm mới tạo dựng được thương hiệu riêng cho mình, nhưng vì lợi nhuận trước mắt mà tự tay đánh mất tất cả.
Hệ lụy khôn lường
Câu chuyện xây dựng và bảo vệ thương hiệu, gìn giữ bản quyền sở hữu trí tuệ không phải là chuyện mới, nhất là trong bối cảnh hội nhập nhưng đối với không ít DN Việt, dường như họ vẫn còn coi đó là một thứ “có cũng được, không có cũng chẳng sao”. Theo ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), chỉ vì thờ ơ, hay vẫn thực hiện việc xây dựng và bảo vệ, phát triển thương hiệu của mình một cách manh mún, không có kế hoạch rõ ràng đã dẫn đến những hệ lụy khôn lường.  “Khi mất mới tiếc, hối hận. Có DN may mắn tìm lại được thương hiệu, có DN thì chịu mất trắng, nhưng tất cả thiệt thòi vẫn thuộc về chính DN” – ông Lâm nhấn mạnh. Đồng thời cho rằng, Khaisilk chỉ là một ví dụ trong hàng ngàn câu chuyện liên quan đến xây dựng thương hiệu của các DN Việt Nam hiện nay, hoặc là chưa chú trọng tạo dựng hoặc nếu có, lại không biết bảo vệ thương hiệu một cách bền vững.
Có thể thấy, "sự cố" của Khaisilk không phải là câu chuyện mới trong cách làm ăn của các DN Việt Nam, chỉ vì lợi ích trước mắt mà sẵn sàng đánh đổi cả tương lai lâu dài. Việc hàng loạt sản phẩm, hàng hóa Trung Quốc gắn mác "Made in Vietnam", đặc biệt hàng tiêu dùng, may mặc... đã trở thành phổ biến. Dưới góc độ DN, bà Lương Thanh Hạnh – Giám đốc Công ty Hanhsilk (làng dệt đũi Nam Cao, Kiến Xương, Thái Bình) chia sẻ, khi tìm hiểu và xem những những nơi sản xuất, nơi bán lụa thì thấy rằng sự lẫn lộn giữa hàng thật, hàng giả đang rất nhiều. Hàng sản xuất ở Việt Nam thì rất ít mà hàng giả, hàng nhái của Trung Quốc thì rất nhiều, tỷ lệ lụa thật chiếm chỉ 30%. Hệ quả của việc các làng nghề, cửa hàng hay các DN không làm hàng Việt mà chỉ chạy theo lợi nhuận là lụa Việt Nam sẽ bị mai một dần. Thương hiệu lụa Việt sẽ mất ngay trên chính quê hương mình chứ chưa nói tới việc ra thế giới khi hội nhập.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh  cũng chia sẻ, thông qua sự việc của Khaisilk thừa nhận bán khăn lụa "Made in China", chúng ta chưa kết luận cụ thể xem mức độ vi phạm đến đâu nên chưa thể nói ngay là sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giá trị thương hiệu của sản phẩm cũng như thương hiệu Việt. Tuy nhiên, việc này đã làm tổn hại đến lòng tin, lợi ích của người tiêu dùng và ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị thương hiệu Việt.
Bản chất các nhãn hiệu thời trang mà chúng ta thấy trên thị trường hiện nay như Made in Vietnam, hàng Việt Nam xuất khẩu… đa số là hàng Trung Quốc trà trộn vào. Do đó, bản thân các DN trong nước cũng cần quan tâm hơn đến sản phẩm của mình, cũng như sản xuất, kinh doanh chân chính.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam

Không ít thương hiệu Việt sẽ bị hoài nghi nhiều hơn sau vụ Khaislik. Do đó, các DN Việt Nam cần nhận thức được rằng, không thể tạo dựng thương hiệu mà quên đi giá trị cốt lõi là chất lượng sản phẩm và tính trung thực. Tôi cho rằng, đây là kiểu làm thương hiệu “vỏ dày ruột rỗng”, không hiếm DN chỉ cố gắng đánh bóng, tạo ra vỏ bọc đẹp đẽ cho sản phẩm và uy tín của mình. Người tiêu dùng đôi khi không nhận ra nên DN càng có cơ hội làm thương hiệu kiểu chụp giật, ăn xổi ở thì.
TS. Nguyễn Quốc Thịnh 
Chuyên gia tư vấn chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam

Điều quan trọng hơn là, khách du lịch nước ngoài sẽ đánh giá người Việt Nam không tâm huyết, cũng như không có ý chí để phát triển thương hiệu DN. Họ sẽ sợ và không muốn mua hàng tơ tằm Việt Nam nữa.
Lương Thanh Hạnh - Giám đốc Hanhsilk

Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội vừa có Báo cáo số 3009/BC-QLTT gửi Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) kết quả kiểm tra cửa hàng KhaiSilk 113 Hàng Gai bán khăn lụa tơ tằm Trung Quốc vừa có mác “Khaisilk - Made in Việt Nam” vừa có mác “Made in China”.
Báo cáo cho thấy, cửa hàng kinh doanh hàng dệt may tại 113 Hàng Gai do bà Nguyễn Thị Thu Nga là chủ hộ kinh doanh. Qua kiểm tra, bà Nga thừa nhận nhân viên cửa hàng đã tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc "Made in China" sau đó khâu nhãn "Khaisilk - Made in Việt Nam" để bán cho khách hàng. Tổng số hàng hóa cơ sở đã mua về và thay nhãn chỉ dẫn giả mạo xuất xứ là 60 chiếc, cơ sở đã bán 4 chiếc hiện còn tồn 56 chiếc với tổng giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 36 triệu đồng. (Thu Hương)