Vụ nữ sinh bị bạo hành ở Thanh Hóa: Cần có sự trợ giúp tâm lý càng sớm càng tốt

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sau vụ việc nữ sinh bị vợ chồng chủ shop quần áo ở Thanh Hóa bạo hành nên gặp phải những sang chấn tâm lý nặng nề, các chuyên gia tâm lý cho rằng cần phải có sự trợ giúp tâm lý càng sớm càng tốt, dừng ngay việc chia sẻ clip đang lan truyền trên mạng nhằm bảo vệ trẻ trước sự tấn công của cộng đồng mạng.

Dừng chia sẻ clip để bảo vệ đứa trẻ
Vụ vợ chồng chủ Shop Mai Hường (số 93 đường Lê Hoàn, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa) chửi bới, đánh đập, dùng kéo cắt tóc, cắt áo ngực, làm nhục nữ sinh V.Th.Tr.M rồi tung clip lên mạng vẫn đang khiến dư luận xã hội hết sức phẫn nộ, sục sôi; nguyên nhân xuất phát từ việc em này vào cửa hàng lấy trộm một chân váy giá 160.000 đồng và sau đó đã xin lỗi, muốn được đền bù.
Ngày 4/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Thanh Hóa đã ra ra quyết định khởi tố bị can đối với hai vợ chồng Cao Thị Mai Hường và Trịnh Đình Anh về tội làm nhục người khác và cưỡng đoạt tài sản.

Trong clip ghi lại hình ảnh nữ sinh bị đánh, xúc phạm danh dự trong clip ở Shop Mai Hường.

Về phía nữ sinh V.Th.Tr.M bị hoảng loạn đã được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) để điều trị. Nhận định về sự vụ này, các chuyên gia tâm lý và giáo dục cho rằng, hành vi của một đứa trẻ đang trưởng thành đôi khi cũng có những cái sai. Tuy nhiên, cái sai đó cần được trao đổi, chia sẻ, hỗ trợ để em đó quay trở lại con đường đúng. Việc đứa trẻ bị thóa mạ, đánh đập, làm tổn thương về mặt tâm lý và thể chất là không thể chấp nhận được. Bởi điều đó ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, thậm chí ám ảnh đến hết cả cuộc đời đứa trẻ.
Vì vậy, Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà đến từ Viện Nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam cho rằng: “Việc hỗ trợ đầu tiên đối với em này là ổn định sức khỏe, sau đó tìm những chuyên gia tâm lý để chia sẻ, giúp vượt qua những khủng hoảng, cú sốc nặng nề để có thể lấy lại được thăng bằng”.
Em bé sẽ bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề, biểu hiện bằng ám ảnh, lo hãi....Từ nhận định này, Bác sĩ Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH đề nghị, cần thiết phải có sự trợ giúp tâm lý càng sớm càng tốt. Đặc biệt, cha mẹ, người thân trong gia đình nên gần gũi, an ủi, tránh mắng chửi, nhiếc móc... gây sự căng thẳng.
Thương xót và đau lòng vì nữ sinh bị bạo hành dù em bé đã van xin và hứa bồi thường, là cảm giác ThS Nguyễn Thị Hà – chuyên gia tâm lý đến từ trường Đại học Thủ đô Hà Nội trải qua sau khi xem clip dài gần 4 phút. Hiện tại nữ sinh đã gặp phải những sang chấn về mặt tâm lý nặng nề, vì thế chuyên gia Nguyễn Thị Hà đề nghị dừng ngay việc chia sẻ clip đang lan truyền trên mạng nhằm bảo vệ trẻ trước sự tấn công của cộng đồng mạng và hạn chế tiết lộ các thông tin riêng tư của em. Và, người thân cũng thường xuyên ở bên cạnh trẻ để an ủi, động viên giúp có cảm giác an toàn cũng như bảo vệ trước những hành vi “dại dột”.
Dạy trẻ giá trị sống để hạn chế những sai lầm
Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài những hỗ trợ trước mắt, đối với nữ sinh trong vụ bị bạo hành, rất cần có những hoạt động tham vấn tâm lý từ các chuyên gia để giúp ổn định về mặt tinh thần và sớm quay trở lại cuộc sống bình thường. Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Hà tư vấn về hoạt động trị liệu tâm lý lâu dài, thứ nhất là giúp cho nữ sinh nhận ra được giá trị của bản thân sau khi có hành vi lệch chuẩn; nhưng đã hối hận, thành khẩn xin lỗi; điều này cho thấy sự dám chấp nhận cái sai để đứng dậy là rất đáng quý. Sau vụ việc xảy ra, để trở lại trường học đối với nữ sinh không dễ, vì thế, nhóm bạn bè có những chủ động tương tác thường xuyên, kết nối, dần giúp bạn thoát ra cảm giác mặc cảm. Những người bạn thân có thể gửi lời hỏi thăm, chúc sức khỏe hoặc nói những câu chuyện vui, bộ phim hay... để giúp quên đi sự việc vừa xảy ra. 
Đối với chuyên gia Nguyễn Thị Hà, điều quan trọng là cần có những hoạt động để điều chỉnh những yếu tố về nhận thức, sau đó đến hành vi. Và, thực chất là cần sự mạnh mẽ của bản thân em nữ sinh, vấp ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó. Các chuyên gia tâm lý giúp gây dựng lại hệ thống niềm tin cho nữ sinh để tìm kiếm những giá trị của mình sau lần vấp ngã.
Qua vụ việc này, cũng là hồi chuông cảnh tỉnh đến các bậc cha mẹ tăng cường sự kết nối với con cái, để lắng nghe, hiểu được chúng thế nào, muốn gì. Ở độ tuổi đang trưởng thành, các em cũng có chính kiến riêng và tâm lý thích thể hiện, theo trend. Thế nhưng nhiều gia đình hay ép buộc, gò ép, khuôn mẫu cũng gây nên vấn đề liên quan đến hành vi lệch chuẩn của trẻ. Vì thế, trong gia đình, nhà trường cần đẩy mạnh những hoạt động mang tính giáo dục phẩm chất, hành vi để trẻ em biết được việc nào thì được làm, không được làm. Cũng như giáo dục về giá trị, phẩm chất, sự trung thực để trẻ em có nhìn nhận và hạn chế những sai lầm.
Liên quan đến giá trị sống là vô cùng quan trọng đối với trẻ. Vì thế, nhiều năm tư vấn cho học sinh phổ thông, chuyên gia Vũ Thu Hà, cho rằng, trong nhà trường và cha mẹ dạy cho học sinh phân tích những hậu quả có thể dẫn đến khi có quyết định hay cách làm sai. Cũng như luôn nhắc học sinh về sự tôn trọng, không được nói dối, không được làm sai, không được lấy trộm đồ, không làm tổn thương người khác và dạy về giá trị của sự yêu thương, sự bao dung để trở thành người trưởng thành và chín chắn.
Mặc dù vậy, vì là những đứa trẻ nên chúng có thể sai và đi lệch hướng thì cần có nhiều hơn sự bao dung của người lớn, của người trưởng thành. Chỉ khi người lớn bao dung, chỉ ra lỗi của đứa trẻ; lúc đó nó sẽ nhận thấý được hệ thống giá trị tốt và đi đúng đường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần