Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ “Tham ô hàng ngàn lượng vàng tại Agribank Bến Thành”: Có “vấn đề” trong thẩm định giá tài sản kê biên?

Trúc Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/12, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục phần tranh luận phiên xử vụ án “Tham ô tài sản; Đưa và nhận hối lộ; Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam - chi nhánh Bến Thành (Agribank Bến Thành).

59 m2 tại quận 10 chỉ định giá… 82,5 triệu đồng!
Luật sư Trần Hải Đức, bào chữa cho bị cáo Lê Thị Hòa (SN 1987, con gái bị cáo Lê Văn Tính) và bị cáo Trần Trường Vũ Sơn Quyên (SN 1982, nguyên Kế toán trưởng Công ty TNHH Kim Gia Thuận, cả 2 cùng bị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”), đưa ra một số tài sản là đất và nhà mà trước đó bị cáo Lê Văn Tính dùng làm tài sản bảo đảm để vay tiền của Agribank Bến Thành. Theo luật sư Hải, sau khi vụ án xảy ra, cơ quan chức năng kê biên tài sản và tổ chức định giá, nhưng việc định giá không phù hợp với thực tế thị trường, gây bất lợi cho các bị cáo.
 Bị cáo Lê Văn Tính đang bổ sung phần tự bào chữa cho mình tại phiên tòa ngày 12/12.
Đơn cử tài sản tại thôn Thanh Phong, xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận), có diện tích 3.069 m2, nhưng chỉ định giá trên 139 triệu đồng vào năm 2013. Thửa đất 2.486 m2 cũng ở địa phương này, nhưng chỉ định giá 112 triệu đồng. Trong khi những khu đất này nằm ở các khu du lịch! Tương tự miếng đất có diện tích 45.837 m2, tại thôn Hiệp Hòa, xã Tân Hải, thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận) vào tháng 7/2012 được định giá 1.077.627.870 đồng, đến tháng 12/2013 chỉ được 1.142.212.203 đồng. Hoặc miếng đất đất ở xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) diện tích 4.483 m2, vào năm 2013 chỉ được định giá gần 350 triệu đồng! Nghịch lý hơn nữa, là quyền:sử dụng đất và nhà số 475/33 Cách Mạng Tháng Tám (P.13, Q.10 – TP.HCM) có diện tích khoảng 59 m2, nhưng chỉ được định giá gần 82,5 triệu đồng!
“Việc định giá không đúng thực tế thị trường, đã gây bất lợi cho các bị cáo nói chung. Thậm chí có tài sản trong 3 năm v64n đứng 1 giá! Trong vụ án này, bị cáo Lê Thị Hòa (đứng tên giám đốc Công ty XNK Thắng Lợi), có hợp đồng tín dụng vay 20 tỷ đồng. Tuy nhiên khi xong hợp đồng, bị cáo Lê Văn Tính (bố bị cáo Hòa - PV) chỉ nhận được 500 triệu đồng! Vì con số 20 tỷ đồng thực thế chỉ để đảo nợ! Trong suốt quá trình điều tra, tội danh các bị cáo liên tục thay đổi. Đề nghị HĐXX xem xét. Như vậy quá bất công và sẽ làm xấu đi hình ảnh tố tụng của nền tư pháp Việt Nam”, luật sư Trần Hải Đức, lập luận.
Vay 20 tỷ đồng nhưng chỉ nhận… 500 triệu đồng (!?)
Cũng theo luật sư Đức, bị cáo Sơn Quyên là người làm công ăn lương đúng nghĩa, dù trong hồ sơ lập công ty mang tên thành viên. Bị cáo này cũng chưa bao giờ liên hệ Sở KH-ĐT. Còn trong cáo trạng ghi bị cáo Quyên là “nguyên kế toán trưởng” là sai. Vì theo Bộ Tài chính, muốn làm kế toán trưởng phải có chứng chỉ, qua khóa học. “Vừa qua các vụ án liên quan ngân hàng như Phạm Công Danh, những bị cáo được xác định là làm thuê, cũng được tòa xử treo. Vì thế mong HĐXX đánh giá đúng bản chất, mức độ của từng bị cáo. Riêng bị cáo Hòa, nếu cần thì nên tạm dừng phiên tòa để định giá lại toàn bộ các tài sản mà bị cáo Lê Văn Tính đã thế chấp tại ngân hàng”, luật sư Đức đề nghị.
Khi được chủ tọa cho bào chữa bổ sung, tất cả các bị cáo đều xin giảm nhẹ hình phạt. Đối với các bị cáo bị truy tố tội “Tham ô tài sản”, tất cả đều mong HĐXX xem xét lại tội danh này. Bị cáo Nguyễn Thị Hoàng Oanh (nguyên giám đốc Agribank Bến Thành, chủ mưu vụ án), ngoài việc xin xem xét tội danh “Tham ô tài sản”, còn xin xem xét tội “Nhận hối lộ”! Không những vậy, bị cáo này còn “xin” HĐXX xem xét không kê biên 2 căn nhà ở TP Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắc Lắc) vì đó là nhà do cha mẹ để lại.
Đối với phần bào chữa bổ sung của mình, bị cáo Lê Văn Tính, khẳng định hợp đồng tín dụng của Công ty XNK Thắng Lợi vay 20 tỷ là hợp đồng ký lại. “Trước lúc bị cáo bị bắt 3 ngày, bị cáo Oanh gọi lên làm lại hồ sơ bổ sung cho căn nhà trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Lúc đó, tôi có thắc mắc vói bà Oanh, và hồ sơ tín dụng này phải đến 2 giờ đêm mới xong! Lúc đó, tôi phải chạy ra tận quận Thủ Đức để cho con gái tôi (bị cáo Hòa - PV) ký khi nó còn đang ngái ngủ! Tôi có khai chi tiết này trước cơ quan điều tra, nhưng cơ quan điều tra không ghi lời khai này. Con số 20 tỷ đồng, thực chất tôi chỉ nhận 500 triệu. Hồ sơ 20 tỷ đồng, tôi khẳng định bị cáo Oanh làm giả. Tôi mong HĐXX xem xét, điều tra lại hồ sơ này làm lại trước lúc tôi bị bắt”.
Thiệt hại trên 358 tỷ đồng
Khi được chủ tọa hỏi có yêu cầu gì về vấn đề dân sự? Đại diện Agribank Việt Nam đề nghị thu lại tổng số tiền bị thiệt hại trên 358 tỷ. Luật sư của Agribank Việt Nam, cho rằng tổng thiệt hại của ngân hàng tính đến ngày 20/11/2012 (ngày khởi tố vụ án - PV) trên 358 tỷ đồng. Trong đó yêu cầu bị cáo Oanh và Công ty Liên Lục Địa phải trả trên 44 tỷ đồng (nợ gốc trên 31 tỷ đồng, lãi trong hạn trên 13 tỷ đồng). Vợ của bị cáo Trương Thế Thanh (đã chết) phải trả nợ cho chồng trên 12,5 tỷ đồng. Bị cáo Lê Văn Tính (6 hợp đồng của 5 công ty), phải trả trên 301 tỷ đồng.
Ngoài số tiền trên, luật sư của ngân hàng cũng đề nghị HĐXX buộc bị cáo Oanh trả lại số tiền trên 24 tỷ đồng mà Oanh hưởng chênh lệch từ các hợp đồng vay của Lê Văn Tính. “Đối với QSDĐ số 226 tở bản đồ số 4 ở quận 7 (TP.HCM), cáo trạng cho rằng không được phát mãi; đề nghị tòa trả cho ông Nguyễn Xuân Phong. Phía Agribank đề nghị HĐXX bác bỏ yêu cầu của Viện KSND, cần xem tài sản này như 49 tài sản đã kê biên. Vì tài sản này đã được công chứng hợp pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm. Việc xem xét tài sản này hợp pháp hay không là do HĐXX của tòa án xem xét chứ không phải do Viện KSND”, luật sư bảo vệ Agribank, nói.