“Vênh” quan điểm
Phát hiện đàn lợn thương phẩm của gia đình có triệu chứng bệnh, ông Việt báo cáo sự việc với chính quyền địa phương. Ngày 19/4, cán bộ thú y xuống hiện trường lấy mẫu xét nghiệm, đến ngày 21/4 kết quả xác định lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngày 22/4, đàn lợn thương phẩm 39 con, tổng trọng lượng 3.324kg của ông Việt được các đơn vị trên địa bàn hoàn thiện hồ sơ ra quyết định tiêu hủy đợt 1. Tiếp đó, ngày 26/4, đàn lợn nái 18 con của ông, trọng lượng 5.342kg cũng được xác định mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi và được chính quyền địa phương đưa đi tiêu hủy đợt 2.
Thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo, ngày 26//5, UBND xã Đốc Tín tiến hành chi trả tiền hỗ trợ cho người dân trên địa bàn có lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi, trong đó có gia đình ông Việt. Tuy nhiên, quá trình chi trả huyện và xã vận dụng Quyết định số 07/2019 QĐ-UBND ngày 11/4/2019 của UBND TP tính đồng loạt chi trả ở mức 38.000 đồng/kg với các loại lợn mà không vận dụng tính chi trả hỗ trợ lợn nái ở mức hệ số 1,8. Chính việc chưa thống nhất mức giá hỗ trợ đối với lợn bị chết do mắc dịch tả lợn châu Phi nên ông Việt chỉ nhận hơn 126 triệu đồng tiền hỗ trợ của Nhà nước đối với đàn lợn thương phẩm, còn tiền hỗ trợ đàn lợn nái đến nay vẫn chưa được nhận.
Chờ kết quả thanh tra
Liên quan đến nội dung này, Chủ tịch UBND xã Đốc Tín Nguyễn Tiến Khánh cho biết, dịch tả lợn châu Phi làm chết hàng trăm con lợn của nhiều gia đình trên địa bàn, trong đó có hộ ông Việt. Cùng thời điểm lợn nái nhà ông Việt bị chết còn có 6 hộ khác cũng có lợn nái chết, tuy nhiên tất cả các hộ đều đã nhận tiền hỗ trợ và không có ý kiến gì. Chỉ riêng ông Việt, mặc dù đã được thông báo nhiều lần nhưng đến nay vẫn không nhận gần 203 triệu đồng tiền Nhà nước hỗ trợ 18 con lợn nái bị chết do dịch tả lợn châu Phi. Ngược lại, ông Việt còn gửi đơn đến các cấp, ngành cho rằng việc chi trả có dấu hiệu tiêu cực.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang khẳng định, ngày 2/12/2019, UBND TP ban hành Văn bản số 5345/UBND-KT tháo gỡ vướng mắc trong việc hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Theo chỉ đạo của UBND TP “về kinh phí hỗ trợ hộ dân có lợn mắc bệnh, tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi, các quận, huyện, thị xã được quyết toán phần kinh phí hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy đã áp dụng các quy định của T.Ư và TP tại thời điểm hỗ trợ, trước thời điểm ban hành Văn bản số 2089/UBND-KT ngày 20/5/2019 của UBND TP”.
Tại khoản d mục 1 quy định thời điểm xác định mức hỗ trợ là thời điểm ra quyết định tiêu hủy đối với đàn lợn mắc bệnh. Như vậy, chính quyền các cấp huyện Mỹ Đức đã thực hiện hỗ trợ đúng quy định.
“Tuy đã được tuyên truyền, vận động nhưng ông Việt vẫn gửi đơn tố cáo đến các cấp, ngành cho rằng UBND huyện và xã thực hiện không đúng chính sách trong việc chi trả tiền hỗ trợ. Qua đó, ngày 22/4/2020, UBND TP có Thông báo số 360/TB-UBND thụ lý đơn tố cáo của ông Việt, giao cho Chánh Thanh tra TP xác minh vụ việc theo quy định và sớm ban hành kết luận” - ông Trang nói.
Từ ngày 21/4 - 1/5, toàn huyện Mỹ Đức có 70 con lợn nái, lợn đực giống, trọng lượng 18.583kg của 22 hộ bị chết do dịch bệnh đã được chi trả tiền hỗ trợ đúng quy định. Hiện chỉ còn ông Việt có ý kiến và chưa nhận tiền hỗ trợ. |