Hơn thế, anh luôn tạo điều kiện, hướng dẫn và gây dựng việc làm miễn phí cho các bạn cùng cảnh với mình.
Khởi đầu gian khó Đến ngõ 509 Vũ Tông Phan (quận Thanh Xuân, Hà Nội) - nơi Hương sống và cũng là nơi làm việc, cuộc nói chuyện của chúng tôi liên tục bị ngắt quãng bởi những hồi chuông điện thoại. Hương sinh ra vốn đã không được may mắn như mọi người khi chịu di chứng chất độc da cam từ người cha. Gia đình làm nông nghèo, cộng thêm hạn chế về hình thể (khuyết tật chân phải và lưng gù) càng khiến Hương tự ti về bản thân. Thế nhưng, anh luôn đau đáu tìm đường đi cho riêng mình để không trở thành gánh nặng cho gia đình. Niềm vui dần đến với anh từ việc cố gắng tập luyện đi lại bằng đôi chân của mình, cho đến việc anh thi đỗ ĐH Nghệ thuật Huế (giờ là ĐH Mỹ thuật Huế). Nhưng vì nhà nghèo nên năm 2006, anh đã chọn học nghề tại Huế với chuyên ngành về CNTT.
|
Vợ chồng anh Phan Sơn Hương tâm đầu ý hợp trong việc điều hành và phát triển công ty. Ảnh: Trần Thảo |
Sau khi biết đến “Dự án Đào tạo CNTT cho người khuyết tật” do trường ESTIH phối hợp với tổ chức CRS (Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ USAID) tài trợ, năm 2009, anh thử sức học lập trình viên. Sau 2 năm theo học, anh đến gõ cửa từng công ty để xin việc, nhưng toàn nhận được cái lắc đầu. Anh nung nấu ý chí, quyết tâm tìm con đường đi đến thành công cho bản thân. Ôm mơ ước được phát triển giữa không gian mênh mông trong lĩnh vực CNTT, nên năm 2014, anh đã “liều” thành lập Công ty CP Ngân Hà Xanh chuyên về in ấn, thiết kế đồ họa, marketing online và SEO với số vốn... 0 đồng.
Tìm kiếm con đường phát triểnHơn ai hết, Hương hiểu rõ những barie cản lối người khuyết tật trong cuộc khởi nghiệp của mình. “Bản thân mình tìm việc đã khó, các bạn khác còn khó hơn, nên mình đã mở lớp dạy đồ họa thực hành miễn phí bằng những sản phẩm thực tế xã hội đang cần. Sau khi học xong, mình sẵn sàng nhận các bạn vào làm việc tại công ty...” - anh Hương chia sẻ. Năm đầu khởi nghiệp, bằng nguồn vốn vay từ họ hàng 400 triệu đồng, anh đã tạo công ăn việc làm cho 9 bạn khuyết tật. Không chỉ trả hết nợ đi vay, anh Hương còn tích lũy được khoản tiền đủ để duy trì công ty. Đến năm 2015, anh mở rộng công ty, sắm thêm trang thiết bị và nâng cao chuyên môn về thiết kế banner, backrop sự kiện; sản xuất quà tặng. Với tính chất việc thiết kế và sản xuất các sản phẩm một cách thủ công, tỉ mỉ, nên các sản phẩm của công ty anh đều được đánh giá cao.
Sau 3 năm khởi nghiệp, không chỉ ký được nhiều hợp đồng với các đối tác, Hương còn tích lũy được vài trăm triệu đồng vốn. Đặc biệt, anh đã cùng người vợ (đồng cảnh ngộ) gây dựng sự nghiệp, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 50 người khuyết tật ở Hà Nội với mức lương 4 - 5 triệu đồng/tháng. Vậy là từ một thanh niên khuyết tật, Hương của ngày hôm nay đã là một nhà quản lý, sở hữu cho riêng mình một công ty về marketing online và in ấn. Chưa hài lòng với những gì đã có, Hương dự định sẽ phát triển công ty mạnh hơn để có thể tạo công ăn việc làm, chỗ ở miễn phí cho những người kém may mắn.