Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

WEF tìm giải pháp kiến tạo nền kinh tế tương lai

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 11 - 13/9, hơn 1.500 đại biểu từ hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), còn gọi là Diễn đàn Davos mùa Hè tại thành phố cảng Thiên Tân, Trung Quốc.

Trong bối cảnh châu Âu đang mắc kẹt giữa yêu cầu tăng trưởng và thắt lưng buộc bụng, Mỹ đang loay hoay tìm giải pháp phục hồi kinh tế, tốc độ tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc  bắt đầu chững lại, WEF năm nay là cơ hội để thúc đẩy một cuộc tìm kiếm những mô hình kinh tế mới, bền vững hơn, ít rủi ro hơn. Với chủ đề "Kiến tạo nền kinh tế tương lai", các đại biểu tham dự WEF sẽ bàn thảo và chia sẻ giải pháp nhằm đảm bảo một cuộc sống thịnh vượng cho 7 tỷ người đang sinh sống trên hành tinh hiện nay.

WEF tìm giải pháp kiến tạo nền kinh tế tương lai - Ảnh 1

Ông Zhu Min - Phó Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế phát biểu tại Diễn đàn Davos mùa Hè.

Theo đó, nhiều phiên thảo luận về các nội dung tác động trực tiếp đến kinh tế thế giới hiện nay đã diễn ra như: Xem xét lại các thị trường truyền thống và các chuỗi giá trị hiện có; Đối phó với những thách thức xã hội thông qua các giải pháp kinh doanh; Tái tạo tổ chức và các ngành công nghiệp thông qua các mô hình sáng tạo; Nhận thức được những biên giới mới của khoa học và công nghệ... Ngoài ra, trong chương trình nghị sự 3 ngày tại Thiên Tân, các đại biểu còn thảo luận về chính sách, xu hướng kinh doanh và đầu tư mới ở châu Á.

Đặc biệt, trong phiên thảo luận với chủ đề "Khủng hoảng châu Âu, tác động toàn cầu", Phó Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), ông Zhu Min cho rằng, rắc rối quanh vấn đề nợ công tại khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chưa thể sớm kết thúc. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, giới chức châu Âu đã đi đúng hướng trong việc giải quyết khủng hoảng và thế giới cần giữ niềm tin vào đồng Euro. Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning - Schmidt thì cho rằng, triển vọng kinh tế châu Âu năm nay vẫn khá “ảm đạm” và thị trường toàn cầu nên kiên nhẫn hơn vì “yêu cầu Eurozone đưa ra quyết định mau chóng khác nào bắt ngựa bay lên  trời". Trong khi đó, Thủ tướng Latvia Valdis Dombrovskis nhấn mạnh Chính phủ các nước châu Âu nên tiếp tục các gói cắt giảm chi tiêu để giảm nợ vì chính sách thắt lưng buộc bụng sẽ giúp phục hồi lòng tin của thị trường. Liên quan đến tình hình “sức khỏe” của kinh tế Trung Quốc, Phó Giám đốc IMF Zhu Min nhận định nguy cơ “hạ cánh cứng” khó có thể xảy ra nhưng Bắc Kinh cần phải có biện pháp để chặn đà suy giảm tăng trưởng.

Tại các phiên thảo luận, các đại biểu tham dự WEF đều nhất trí cho rằng, nhân loại đang trải qua một giai đoạn đầy cơ hội và thách thức của lịch sử. Và Diễn đàn Davos mùa Hè lần thứ 6 tại Trung Quốc đã tạo ra cây cầu kết nối kinh tế giữa Đông và Tây, hướng tới một nền kinh tế tương lai bền vững hơn.