Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

WHO: Thế giới cần hành động khi biến thể Omicron đang lây lan “chóng mặt”

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãnh đạo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi chính phủ các nước cần đánh giá lại phản ứng với dịch Covid-19 và tăng tốc các chương trình tiêm chủng để chặn đà lan rộng của biến thể Omicron.

 Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters
Ngày 8/12, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, sự lây lan toàn cầu của biến thể Omicron có tác động lớn đến diễn biến đại dịch Covid-19, cần sớm ngăn chặn ca mắc biến thể mới này trước khi có thêm nhiều bệnh nhân nhập viện. "Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia tăng cường giám sát và thử nghiệm. Bất kỳ sự tự mãn nào bây giờ sẽ phải trả giá bằng mạng sống”, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh.
Theo Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan, do biến thể mới này dễ lây lan hơn nên cần phải nỗ lực gấp đôi để phá vỡ chuỗi lây nhiễm.
Trong khi đó, WHO đã ghi nhận dữ liệu ban đầu cho thấy hiệu quả của vaccine BioNTech và Pfizer trong việc trung hòa biến thể Omicron.
Cùng ngày, hãng dược phẩm Mỹ Pfizer và đối tác BioNTech (Đức) đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy lượng kháng thể trung hòa ở những người tiêm hai liều vaccine Pfizer giảm 25 lần trước biến thể Omicron so với phiên bản virus SARS-CoV-2 gốc. Tuy nhiên, với những người tiêm liều thứ ba, lượng kháng thể tăng 25 lần, tương đương mức độ mà hai liều vaccine này tạo ra để chống lại phiên bản virus gốc và các biến thể khác. Đây là kết quả nghiên cứu đầu tiên được các nhà sản xuất công bố về hiệu quả của vaccine với biến thể Omicron.
Ana Maria Henao-Restrepo, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển của WHO, hôm thứ Hai cho biết cuộc họp kín của các chuyên gia vào tuần tới đã xem xét sự khác biệt trong kết quả của dữ liệu ban đầu về hiệu quả của vaccine chống lại biến thể Omicron. “Các kháng thể trung hòa là thông tin quan trọng, có ý nghĩa trong việc kiểm soát ca nhiễm bệnh. Tuy nhiên, chúng chỉ là một phần trong việc bảo vệ chống lại tình trạng bệnh nặng”, bà Ana Maria Henao-Restrepo cho hay.
WHO sẽ công bố đánh giá về quan điểm của mình đối với liều tăng cường trong vòng vài ngày tới. Tuy nhiên, với tỷ lệ tiêm chủng thấp đáng lo ngại ở hầu hết các nước đang phát triển, việc sử dụng liều tiêm chính vẫn là ưu tiên theo khuyến nghị của WHO.
Theo báo cáo của WHO, 57 quốc gia đã ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron và cảnh báo số bệnh nhân nhập viện có thể gia tăng.
Biến thể Omicron được phát hiện đầu tiên tại Botswana vào ngày 11/11 và được Nam Phi báo cáo với WHO hôm 24/11. Biến thể Omicron đã được WHO xếp vào danh sách đáng lo ngại. Biến chủng này có khoảng 50 đột biến, trong đó hơn 30 đột biến trên protein gai, cấu trúc virus sử dụng để bám dính và xâm nhập tế bào người.