Nhân dịp này, Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân (ảnh bên) về qui hoạch chung và những tác động, ảnh hưởng của đồ án đến đô thị Hà Nội.
- Có điểm nào của đồ án qui hoạch chung khiến ông còn băn khoăn?
Qui hoạch lần này ở mức độ của một đồ án qui hoạch chung. Băn khoăn lớn nhất là việc tổ chức thực hiện, triển khai qui hoạch chung như thế nào trong những năm sắp tới. Ví dụ, triển khai qui hoạch chung, Hà Nội đang làm 17 qui hoạch phân khu, dưới qui hoạch phân khu là qui hoạch chi tiết, cùng với đó và cụ thể hóa là các qui định về quản lý, đặc biệt là các qui chế về quản lý kiến trúc qui hoạch. Qui chế về quản lý kiến trúc qui hoạch rất cụ thể đến từng công trình, từng đường phố. Các cấp chính quyền của thành phố Hà Nội phải biết và quản lý việc phát triển xây dựng theo qui chế đó. Đòi hỏi cộng đồng phải nhận thức được, chính quyền nhận thức được và có biện pháp hết sức kiên quyết, kể cả chế tài mới thực hiện được.
- Đây là bản qui hoạch rất lớn và chắc chắn sẽ phải tốn rất nhiều tiền để thực hiện, vấn đề vốn sẽ được giải quyết thế nào?
Bản thân qui hoạch tạo ra nguồn lực, cho nên thực sự ngay từ ban đầu nghiên cứu sơ bộ, các bên tham gia cũng đã tính đến việc tổ chức thực hiện Đồ án qui hoạch chung này, trong những năm tới cần khoảng 90 tỉ USD, lớn hơn hẳn một dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Nhưng qui hoạch có một đặc tính là dự báo, chứkhông phải dự án.
Bản chất của phát triển đô thị có thể nói một cách dân dã là "mỡ nó rán nó", nguồn lực ở chính đất đai. Vấn đề làm sao khai thác được nguồn lực đó. Tuy nhiên, vấn đề ở đây không quá đơn giản theo cách hiểu thông thường là đổi đất lấy hạ tầng mà nguồn lực nằm trên chính mảnh đất mà chúng ta phát triển thành đô thị, vấn đề là cách làm.
- Qui hoạch chung đã khẳng định các tiêu chí xanh, văn hiến, bảo tồn văn hóa. Vậy, những tiêu chí này có khiến cho nhiều dự án trong số hơn 700 dự án của Hà Nội phải nhường đất hay không?
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Hà Nội phải tiến hành rà soát cụ thể các đồ án và dự án. Khi mà qui hoạch chung đã được phê duyệt thì càng phải xem xét cụ thể hơn nữa trên cơ sở qui hoạch chung, dưới đó là qui hoạch phân khu, các qui định về quản lý, qui chế quản lý kiến trúc mà thành phố Hà Nội phải tiếp tục cụ thể hóa. Theo đó, nếu dự án nào, đồ án nào không đảm bảo các yêu cầu của quản lý mới phải dừng lại, phải điều chỉnh. Điều chỉnh như thế nào thì cũng phải nghiên cứu.
- Trục Hồ Tây - Ba Vì được đề cập đến trong qui hoạch chung được phê duyệt, trục này có ý nghĩa gì thưa ông?
Trước hết Hồ Tây - Ba Vì là một trục giao thông. Trục Hồ Tây - Ba Vì không phải chỉ để đi đến vùng chân núi Ba Vì, vấn đề này tôi đã báo cáo trước Quốc hội. Trước hết khi vẽ ra một con đường là để phục vụ giao thông, đi lại chứ không cứ là để khai thác quĩ đất. Trục Hồ Tây - Ba Vì khi được xác định cũng mang ý tưởng tạo ra một trục cảnh quan, tạo điểm nhấn cho kiến trúc đô thị (đoạn đường đôi thẳng trong bản vẽ qui hoạch). Đấy là ý tưởng của người làm qui hoạch, còn người lãnh đạo, quản lý có thể xem xét trong quá trình triển khai, thực hiện qui hoạch.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Ngân sách Nhà nước là một phần rất quan trọng trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng. Ngoài ra, chúng ta còn phát hành vốn trái phiếu chính phủ, vốn tài trợ ODA... Tuy nhiên, giai đoạn tới thì việc xã hội hóa và huy động các nguồn vốn khác từ các thành phần kinh tế để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng... Về quản lý nhà nước, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ rất rõ, ở đây là Bộ Xây dựng phải chủ trì tổng thể chung. UBND TP. Hà Nội phải là chủ đầu tư để thực hiện. Các bộ trong đó gồm Bộ Giao thông Vận tải phối hợp xây dựng qui hoạch chi tiết. Sắp tới, phải có qui hoạch chi tiết hơn nữa của hệ thống giao thông nội thị. Do đó, Bộ sẽ phối hợp với UBND TP. Hà Nội thực hiện các cơ chế để có thể thực hiện được qui hoạch này. Ông Hồ Nghĩa Dũng - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hà Nội hiện có hơn 750 dự án, đồ án nằm trong vùng qui hoạch, đều đã được nghiên cứu khi xây dựng. Tới đây, các dự án này cũng đều phải cập nhật, điều chỉnh theo Đồ án Qui hoạch chung bởi chúng liên quan tới hệ thống giao thông, cốt nền đô thị còn khác nhau... Các dự án đang làm vẫn sẽ tiếp tục triển khai. TP. Hà Nội có trách nhiệm điều chỉnh các dự án này về qui mô, mật độ cho phù hợp. Chỗ đáng được xây thấp tầng thì phải làm thấp tầng, nơi cho phép xây cao tầng vẫn làm cao tầng. Đối với vùng hành lang xanh, các dự án cũng sẽ được xem xét. Hành lang xanh không có nghĩa không cho xây dựng bất cứ gì trong đó, có dự án vẫn được chấp nhận, chỉ có điều, phải hạn chế tối đa xây dựng nhà cao tầng. Ông Nguyễn Đình Toàn - Thứ trưởng Bộ Xây dựng |