Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xác định rõ thời điểm chuyển sở hữu nhà để tránh rủi ro

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/8, UBTV Quốc hội đã thảo luận những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của Dự án...

Kinhtedothi - Ngày 12/8, UBTV Quốc hội đã thảo luận những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề.

5 vấn đề củaDự án Luật Nhà ở sửa đổi

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, Dự án Luật Nhà ở sửa đổi còn 5 nhóm vấn đề có ý kiến khác nhau: Thời điểm chuyển quyền sở hữu; quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài; chính sách nhà ở công vụ; chính sách nhà ở xã hội; thời hạn sử dụng nhà chung cư, sở hữu diện tích chung nhà chung cư.
Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai phát biểu tại phiên họp.             Ảnh: TTXVN
Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Qua thảo luận, đa số ý kiến của UBTV Quốc hội cho rằng, nên quy định thời điểm chuyển sở hữu khi hai bên thanh toán đủ hoặc bàn giao nhà. Chủ nhiệm Phan Trung Lý khẳng định: Quy định này bảo đảm cho các chủ sở hữu thực hiện được đầy đủ các quyền của mình đối với nhà ở. Đồng thời, hạn chế được các rủi ro cho chủ sở hữu khi tham gia từng loại giao dịch về nhà ở. Nếu quy định thời điểm chuyển quyền sở hữu kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu nhà ở sẽ vừa làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, vừa khó khả thi, đặc biệt là đối với các giao dịch về nhà ở tại khu vực nông thôn.

Đưa ra vấn đề chính sách nhà ở xã hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước đặt vấn đề: Không nên ưu đãi quá nhiều cho nhà đầu tư mà cần xác định đúng đối tượng ưu tiên là người nghèo không có nhà ở. Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị: Đối tượng người nghèo thành thị cần được bình đẳng với người nghèo nông thôn; đối tượng chính sách, người có công đã được hỗ trợ xây nhà ở, nhưng nhà ở bị cũ, hỏng sau khi đã hết các chương trình hỗ trợ cần được vay vốn ưu đãi để sửa chữa...

Liên quan đến việc mở rộng đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài, nhiều ý kiến cho rằng, chỉ cho phép mua nhà ở thương mại trong các dự án phát triển nhà ở tại khu vực không cấm người nước ngoài cư trú, đi lại, không nên quy định thêm về điều kiện cư trú. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa, cần lưu ý quy định cá nhân người nước ngoài được phép nhập cảnh Việt Nam có quyền sở hữu nhà ở. Quy định điều kiện chưa rõ vì nhập cảnh vào Việt Nam có nhiều đối tượng, do đó cần cụ thể để dễ quản lý. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở là hợp lý, nhưng phải quy định chặt chẽ, tránh bị lợi dụng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Dự Luật Nhà ở sửa đổi sẽ được tiếp tục đưa ra lấy ý kiến tại hội nghị ĐB Quốc hội chuyên trách trước khi hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào cuối năm nay.

Dạy nghề phải hướng tới trình độ khu vực

Cùng ngày, cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Ban soạn thảo Dự án Luật và cơ quan thẩm tra nghiên cứu kỹ và thống nhất phạm vi của giáo dục nghề nghiệp để đào tạo ra người làm nghề thực sự chất lượng đáp ứng yêu cầu. Đưa ra thực tế nhiều học sinh được đào tạo xong không đáp ứng được công việc, hoặc khi về doanh nghiệp phải đào tạo lại rất tốn kém, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Quản lý Nhà nước phải tốt thì mới tiến lên được".

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, đến năm 2015 sẽ xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng như Việt Nam hội nhập sâu rộng và mục tiêu Dự án Luật đưa ra là dạy nghề chỉ đạt khung trình độ quốc gia là không ổn. Thợ may, thợ hàn Việt Nam sang Hàn Quốc, Nhật Bản hay bất cứ nước nào làm cũng được. Do đó, cần phấn đấu trình độ đạt bằng khu vực và đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Trong ngày, UBTV Quốc hội cũng tiếp tục cho ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự và khung chương trình kênh truyền hình Quốc hội.