Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xăng có thể tăng 8.000 đồng/lít, Petrolimex nói gì ?

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng việc tăng khung thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu là phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

Đây là khẳng định được Petrolimex đưa ra trong văn bản góp ý về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính. Bên cạnh đó Tập đoàn này còn cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung về đối tượng và khung mức thuế cũng đảm bảo được trách nhiệm bảo vệ môi trường của các cá nhân, tổ chức khi sử dụng các sản phẩm có tác động trực tiếp đến môi trường.
Petrolimex cho rằng, nhiều năm qua thuế bảo vệ môi trường là nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương cùng với đó các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đầu tư phát triển hệ thống phân phối bán lẻ đảm bảo nhu cầu tiêu dùng, sản xuất tại địa phương. Đối thời điểm nộp thuế, Tập đoàn đề nghị thời điểm kê khai nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu nhập khẩu và sản xuất trong nước là thời điểm các thương nhân đầu mối bán ra ngoài xã hội.
Nếu áp dụng khung thuế bảo vệ môi trường mới, giá xăng sẽ tăng mạnh
Để đơn giản và thuận lợi trong quản lý thuế vì tỷ lệ xăng khoáng trong xăng sinh học của từng lần pha chế, từng hoá đơn là rất khác nhau nên quyết toán thuế bảo vệ môi trường phức tạp, không hiệu quả, Bộ Tài chính cần sửa đổi Luật thuế bảo vệ môi trường theo hướng quy định cứng đơn giá thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng sinh học theo tỷ lệ mặt hàng xăng khoáng trong xăng sinh học, Petrolimex đề nghị.
Không chỉ có ý kiến đồng thuận, Petrolimex cũng đưa ra nhiều góp ý ở chiều ngược lại dành cho Dự thảo Luật. Tập đoàn này cho rằng, đối với xăng, dầu sản xuất hoặc nhập khẩu để bán, thời điểm tính thuế bảo vệ môi trường cần là thời điểm các đầu mối xăng dầu bán ra. Nhưng Dự thảo lại yêu cầu nộp khoản thuế này ngay từ khâu nhập khẩu đối với hàng nhập khẩu hoặc các nhà máy lọc dầu Bình Sơn, Nghi Sơn kê khai nộp khi bán cho các thương nhân đầu mối sẽ phát sinh nhiều bất cập.
Những bất cập có thể kể đến như như việc kiểm soát sản lượng bán ra tại các cửa hàng xăng dầu của các thương nhân đầu mối bán ra là cơ sở chống thất thu và chống thẩm lậu xăng dầu. Tuy nhiên, với mức thuế bảo vệ môi trường cao như hiện nay và chính sách thu tại khâu nhập khẩu tại các nhà máy sản xuất sẽ không thể ngăn được các hành vi thẩm lậu xăng mà nguy cơ thẩm lậu xăng dầu có thể sẽ cao hơn trước đây.
Ngoài ra, việc thu thuế bảo vệ môi trường cần gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường tại các tỉnh, thành phố tiêu thụ xăng dầu để tăng thu ngân sách. Nhưng nếu thay đổi chính sách thu tại khâu nhập khẩu và tại các nhà máy sản xuất thì các tỉnh, thành phố sẽ ít quan tâm đến khoản thu từ thuế bảo vệ môi trường dẫn đến hạn chế phát triển hệ thống phân phối.
Trước đó, theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường, khung mức thuế đối với hầu hết các mặt hàng hiện đang chịu thuế bảo vệ môi trường đều tăng mức khá mạnh.

Đặc biệt, đối với mặt hàng xăng, trừ ethanol có thể ở mức 3.000 - 8.000 đồng/lít, nhiên liệu bay 3.000 - 6.000 đồng/lít, dầu diesel 1.500 - 4.000 đồng/lít. Mặt hàng xăng E5, E10 có thể ở khung mức thuế từ 2.700 - 7.200 đồng/lít và 2.500 - 6.800 đồng/lít.
Nói về Dự thảo này, nhiều ý kiến từ nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng khung thuế bảo vệ môi trường áp dụng đối với mặt hàng xăng, dầu như vậy là mức quá cao. Đồng thời khẳng định, giữ nguyên mức như hiện nay khi mỗi lít xăng đang phải chịu 3.000 đồng thuế bảo vệ môi trường là hợp lý.