Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xăng dầu nội không ảnh hưởng bởi sự cố nổ nhà máy Shell

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đại diện các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối tại Việt Nam khẳng định sự cố nổ nhà máy Shell tại Singapore không ảnh hưởng đến nguồn cung.

Ông Trần Hữu Phúc, Giám đốc Vinapco khẳng định sự cố nhà máy Shell tại Singapore không ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu xăng máy bay của hãng. Tại Singapore, Vinapco nhập hàng từ nhiều nguồn khác nhau. Mọi năm Shell cũng là một hãng cung ứng cho Vinapco. "Năm nay, Shell không trúng thầu nên chúng tôi không có nguồn nhập khẩu từ hãng sản xuất này", ông Phúc nói.

Theo ông, khi đứt nguồn có thể tác động về giá, còn thị trường trong nước, các hoạt động mua bán vẫn diễn ra bình thường. Nguồn cung vẫn dồi dào, các hoạt động vận tải hàng không diễn ra bình thường.

Hiện nay, mỗi tháng Vinapco nhập khẩu khoảng 100.000 m3. Trong đó, thị trường Singapore chiếm thị phần rất nhỏ. Còn lại các đối tác cung ứng cho Vinapco chủ yếu là Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc...

Ông Vương Đình Dung, Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Quân đội cũng khẳng định hãng không nhập khẩu xăng từ thị trường Singapore. Do vậy, vụ nổ nhà máy Shell tại quốc đảo này không ảnh hưởng đến các hoạt động nhập khẩu của hãng.

Theo ông, các nhà nhập khẩu cũng ít mua hàng từ Shell vì tiêu chuẩn chất lượng của hãng sản xuất này cao hơn tiêu chuẩn của Việt Nam.
Hiện nay, Xăng dầu Quân đội nhập hàng chủ yếu tại Nga, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc với khoảng 40.000 m3 một tháng. "Chúng tôi khẳng định đáp ứng đủ nguồn cung và không ảnh hưởng gì từ sự cố của Shell", ông Dung nhấn mạnh.

Phó tổng giám đốc Petrolimex - Vương Thái Dũng cho rằng Shell là nhà máy lớn số một tại Singapore nên sự cố này có thể ảnh hưởng nhất định đến thị trường xăng dầu nói chung ở khu vực. Việc nhà máy ngừng hoạt động sẽ dẫn đến sản phẩm đưa ra thị trường sẽ có những ảnh hưởng nhưng mức độ ít nhiều thì chưa thể khẳng định.

"Tuy nhiên, đối với Petrolimex trong mọi điều kiện chúng tôi đều đảm bảo đủ nguồn, đó là điều khẳng định. Không có nhà máy này thì chúng tôi mua nhà máy khác, đảm bảo cung ứng đủ hàng trong mọi tình huống", ông Dũng nói.

Tổng giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn - đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - Nguyễn Hoài Giang cho hay hiện nay lượng xăng dầu cung cấp ra thị trường từ nhà máy chiếm khoảng 30%. Đây là nguồn hàng ổn định đáp ứng cho thị trường trong mọi tình huống. Hiện nay Dung Quất đã vận hành trở lại và chạy 100% công suất, sau một thời gian bảo dưỡng. Mỗi năm, Dung Quất cung ứng ra thị trường 3 triệu tấn dầu diezel, 2,5 triệu tấn xăng A92, A95 và 300.000 tấn nhiên liệu bay JA1.

Nguồn tin từ Bộ Tài chính cũng khẳng định thị trường trong ước vẫn ổn định và chưa có bất cứ ảnh hưởng nào bởi sự cố nổ nhà máy Sell tại Singapore.

Vụ cháy hôm 28/8 tại nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới của Shell chỉ được dập tắt hoàn toàn sau 34 tiếng đồng hồ và khiến hãng này phải đóng cửa toàn bộ nhà máy để kiểm tra. Theo giới chuyên gia thời gian khôi phục sản xuất hiện chưa được xác định nên nguồn cung xăng dầu từ Singapore chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng (90% sản lượng của nhà máy này là để xuất khẩu).

“Chúng ta đang bước vào giai đoạn cao điểm trong năm của nhu cầu năng lượng. Do vậy, sự cố này nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng lớn tới thị trường xăng dầu châu Á nói riêng, cũng như thế giới nói chung”, Tony Nunan, chuyên gia quản trị rủi ro của Mitsubshi Corp tại Tokyo nhận định với hãng tin AFP.

Chủ tịch Shell Singapore Lee Tzu Yang tuyên bố có thể sử dụng quyền “bất khả kháng” nếu vi phạm các hợp đồng giao hàng cho khách sau vụ cháy trên đảo Bukom, diễn ra giữa tuần trước.

Trao đổi với hãng tin BBC sáng 3/10, Chủ tịch Lee Tzu Yang xác nhận hãng này đã sử dụng quyền “bất khả kháng” đối với một số hợp đồng giao hàng sau vụ cháy nhà máy lọc dầu hôm 28/8. “Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận để xác định nhu cầu của khách hàng và đảm bảo sao cho những thiệt hại đối với họ sau sự cố này là nhỏ nhất”, ông Lee cho biết.

Quyền “bất khả kháng” (Force Majeure) khá phổ biến trong luật pháp thương mại quốc tế cho phép một doanh nghiệp không phải chịu trách nhiệm đối với những hợp đồng trong trường hợp xảy ra các sự cố ngoài ý muốn và ngoài tầm kiểm soát (thiên tai, thảm họa…).
Tiếp sau sự kiện tại Singapore, một vụ nổ khác lại xảy ra tại Nhà máy lọc dầu Ahmandi của Công ty Dầu khí Quốc gia Kuwait (KNPC) trong ngày 1/10. Vụ nổ tại nhà máy có công suất 460.000 thùng một ngày này đã khiến 4 công nhân thiệt mạng và 2 người khác bị thương. Kuwait là nước có trữ lượng dầu lớn thứ 5 thế giới và là một trong những nước sản xuất dầu mỏ chính của OPEC.