Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xăng dầu tăng giá: Áp lực từ thuế tiêu thụ đặc biệt

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ 15 giờ ngày 5/9, liên Bộ Công Thương -Tài chính cho phép DN kinh doanh đầu mối điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu.

Vấn đề đặt ra là cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTTĐB) đã gây áp lực tăng giá lên mặt hàng này.

Xăng tăng giá hơn 700 đồng/lít

 Cụ thể, giá xăng RON 92 tăng 702 đồng/lít, xăng E5 tăng 611 đồng/lít, dầu diesel 0.05S  tăng 474 đồng/lít, dầu hỏa tăng 489 đồng/lít, dầu mazut tăng 502 đồng/kg. Như vậy, mức giá trần đối với xăng RON 92 là 16.076 đồng/lít, xăng E5: 15.836 đồng/lít, dầu diesel 0,05S: 21.388 đồng/lít, dầu hỏa: 10.985 đồng...

 Theo lý giải của Bộ Công Thương, việc điều chỉnh tăng giá do giá thành phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới thời gian gần đây có xu hướng tăng. Cụ thể, xăng RON 92 có giá bình quân từ ngày 20/7 - 4/8 là 47,020 USD/thùng, dầu hỏa: 51,210 USD/tấn, dầu diesel: 50,882  USD/thùng... Liên Bộ yêu cầu giữ nguyên mức trích lập Quỹ bình ổn giá đối với xăng khoáng và các mặt hàng dầu là 300 đồng/lít. 
Mua bán xăng dầu tại cửa hàng trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hùng
Mua bán xăng dầu tại cửa hàng trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hùng
Đại diện liên Bộ cho rằng, việc giá xăng dầu tăng là điều không thể tránh khỏi khi xăng dầu thế giới đang trên đà tăng giá. Cụ thể giá bình quân mặt hàng xăng RON 92 trong 15 ngày vừa qua lên đến 54,749 USD/thùng, tăng 4,655 USD/thùng tương đương 9,3% so với kỳ điều chỉnh trước. Tương tự, mặt hàng dầu diesel tăng 5,8%, dầu hỏa tăng 6,1%, dầu mazut tăng 8,6%.

Tăng thêm khoảng 165 đồng/lít do cách tính thuế mới

Việc giá xăng dầu liên tục tăng trong những kỳ điều hành gần đây bởi cách tính TTTĐB đã có sự thay đổi theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn số 718/BTC-QLG ngày 18/8. Theo đó, TTTĐB được tính toán theo Nghị định 100 hướng dẫn Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật TTTĐB và Luật Quản lý thuế sửa đổi, có hiệu lực ngày 1/7/2016. Việc sửa đổi bổ sung lần này về TTTĐB có những điểm khác biệt cơ bản so với trước đây. Cụ thể, trước đây, TTTĐB chỉ tính trên giá nhập khẩu nhưng nay được tính trên mức giá đầu ra (bao gồm cả các chi phí) của DN. Trường hợp giá bán của DN sản xuất, nhập khẩu không theo giá giao dịch thông thường trên thị trường thì cơ quan thuế thực hiện ấn định thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế. Điều này đồng nghĩa với TTTĐB (10%) được tính theo giá đầu ra (tính trên tổng các loại thuế phí khác), không tính theo giá đầu vào của hàng hóa. Với cách tính như vậy thì TTTĐB cả 3 loại phí được tính trong giá xăng dầu gồm: Kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức và Quỹ Bình ổn giá đều phải tính TTTĐB.

Theo các chuyên gia kinh tế, có thể coi việc tính TTTĐB như vậy là thuế chồng thuế nên xăng dầu không thể hạ giá như mong muốn. Hiện, tổng chi phí 3 loại phí mặt hàng xăng dầu là 1.650 đồng/lít và TTTĐB  tính trên số tiền đó, mỗi lít xăng, dầu phải gánh thêm khoảng 165 đồng thuế. Điều này khiến giá xăng tăng cao hoặc không giảm nhiều như người dân mong muốn. “Năm 2015, tiêu thụ nội địa đạt khoảng 16,4 triệu tấn xăng dầu. Mỗi tấn xăng dầu quy đổi ra khoảng 1.333 lít, thì nếu chênh lệch thêm 200 đồng, nghĩa là người tiêu dùng phải chi thêm hơn 4.373 tỷ đồng” - chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nêu rõ. Giải thích nguyên nhân việc thay đổi cách tích TTTĐB, đại diện Bộ Tài chính cho rằng: Hiện, Việt Nam vừa sản xuất vừa nhập khẩu xăng dầu nhưng cách tính thuế khác nhau, vì vậy cách tính này sẽ tạo công bằng giữa hàng hóa nhập khẩu với hàng hóa trong nước.