Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xăng không tăng giá: Giải tỏa nhiều nỗi lo

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc liên Bộ Công Thương - Tài chính không tăng giá xăng trong kỳ điều chỉnh đầu tiên năm 2017 sẽ có tác dụng ngăn chặn hàng hóa tăng giá bất hợp lý.

Tuy nhiên, để có thể bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 còn có sự góp sức của các DN bán lẻ thông qua dự trữ hàng hóa.
Giá xăng không tăng
16 giờ ngày 4/1, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã có công văn điều chỉnh giá xăng dầu tới các DN kinh doanh mặt hàng này.
Theo đó, giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng dầu như hiện hành, riêng mặt hàng xăng khoáng và xăng E5 ở mức 0 đồng/lít. Đồng thời chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng khoáng 229 đồng/lít (kỳ trước 600 đồng/lít); xăng E5 là 567 đồng/lít (kỳ trước 600 đồng/lít); dầu diesel: 250 đồng/lít (kỳ trước 250 đồng/lít)… Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu mặt hàng xăng khoáng và E5 giữ nguyên giá bán như kỳ điều chỉnh trước. Riêng dầu diesel 0.05S tăng 324 đồng/lít; dầu hỏa tăng 310 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 493 đồng/kg…
 Mua bán xăng tại cửa hàng trên đường Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
Theo lý giải của Bộ Công Thương, bình quân giá thành phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới trong 15 ngày vừa qua là 66,537 USD/thùng xăng RON 92; 64,493 USD/thùng dầu diesel 0.05S; 65,544 USD/thùng dầu hỏa; 333,501 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S. So với kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 20/12/ 2016, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 4/1 tăng 3,086 USD/thùng xăng RON 92 (tương đương 4,9%); tăng 1,936 USD/thùng dầu diesel 0.05S (tương đương 3,1%); tăng 1,762 USD/thùng dầu hỏa (tương đương 2,8%); tăng 8,566 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S (tương đương 2,6%).
Việc xả Quỹ Bình ổn giá trong thời điểm Tết Nguyên đán cận kề được đánh giá là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời hỗ trợ đời sống sinh hoạt, mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Doanh nghiệp tích cực dự trữ
Nhằm kiềm chế lạm phát trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản 7006/UBND-KT chỉ đạo tăng cường công tác quản lý giá, kiềm chế lạm phát những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2017. Là DN chủ lực của Hà Nội trong việc cung ứng hàng hóa cho thị trường Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán, ông Vũ Thanh Sơn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết: Đến thời điểm này, Hapro đã dự trữ các mặt hàng thịt bò, lợn, trứng, thủy sản… với tổng trị giá 1.200 tỷ đồng, phục vụ tại 70 điểm bán lẻ của hệ thống Hapro. “Chúng tôi vẫn sẽ bảo đảm giá cả bình ổn dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, đồng thời có nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu mua sắm cuối năm. Hapro cũng cố gắng để không có bất kỳ biến động giá cả nào xảy ra trong thời điểm nhạy cảm này. Ngoài ra, những DN đã ký hợp đồng cung ứng hàng hóa cho hệ thống siêu thị Hapro không phải muốn tăng giá là được tăng mà phải được Hapro đồng ý. Vì vậy, biến động giá sẽ khó xảy ra trong thời điểm hiện tại” - ông Sơn khẳng định.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam (DN quản lý hệ thống siêu thị Fivimart) cho biết: Nhu cầu mua sắm hàng Tết năm nay dự kiến sẽ tăng từ 10 - 20% so với cùng kỳ, đặc biệt là các mặt hàng tươi sống có thể tăng tới 30%. Sau khi giá xăng dầu tăng gần 1.000 đồng/lít vào ngày 20/12/2016 vừa qua, hiện giá hàng hóa phục vụ dịp Tết vẫn tương đối ổn định, chưa có dấu hiệu biến động giá. “Việc liên Bộ Công Thương - Tài chính giữ nguyên giá xăng trong kỳ điều chỉnh lần này sẽ càng có tác dụng ngăn chặn việc tăng giá đột biến trong những ngày cuối năm” - bà Hậu phân tích.
Tại hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vừa được tổ chức, ông Chu Xuân Kiên - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội nêu rõ: Trong thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội sẽ đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt quan tâm đến việc đăng ký giá, niêm yết giá bán và bán theo giá niêm yết. Đơn vị sẽ kiểm tra, kiên quyết xử lý những trường hợp “hét” giá, nâng giá bất hợp lý, ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng. Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, các loại mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm Tết Nguyên đán không tránh khỏi sự biến động về giá. Nhằm giữ giá các mặt hàng ở mức ổn định, Sở Công Thương đã chỉ đạo, phối hợp các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh chuẩn bị lượng hàng hóa trị giá 23.500 tỷ đồng, tăng khoảng 10 - 15% so với năm 2016. Dự báo giá cả từ nay đến cuối năm cũng như trong dịp Tết sắp tới sẽ không có nhiều biến động. 
Với Nghị định 149, trường hợp kê khai giảm giá, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện giảm ngay. Đồng thời gửi văn bản kê khai giá để thông báo mức giá đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Thay đổi này nhằm bãi bỏ thủ tục hành chính về kê khai giá, đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện cho các DN, tổ chức trong việc chủ động các kế hoạch điều hành giá, người dân được lợi nhiều hơn. Với thay đổi này, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ tăng cường hậu kiểm về mức giá kê khai phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá trong trường hợp cần thiết để phục vụ công tác bình ổn giá, quản lý Nhà nước về giá, kiểm tra, thanh tra theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Truyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)

Giám sát chặt hơn tình trạng “té nước theo mưa”
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, hiện nay, việc điều hành giá dựa trên nguyên tắc theo cơ chế thị trường. “Điều này có nghĩa kể cả các mặt hàng Nhà nước quản lý giá thì vẫn phải điều hành trên nguyên tắc thị trường, cung - cầu, chứ không phải theo ý muốn chủ quan của cơ quan quản lý. Nếu định giá quá thấp thì DN không tồn tại được, nếu cao thì người dân chịu thiệt” - ông Long cho hay.
Theo Nghị định số 149/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2017, sẽ có 17 loại phí được chuyển sang cơ chế giá do Nhà nước định giá. Đối với mặt hàng sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, thẩm quyền rà soát, tiếp nhận văn bản kê khai giá thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, TP.
Với cước vận tải hành khách bằng taxi, dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt, thẩm quyền tiếp nhận văn bản kê khai giá thuộc Bộ GTVT và Sở GTVT các tỉnh, TP. Nghị định 149 cũng bổ sung thẩm quyền của Bộ TN&MT đối với sản phẩm dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực TN&MT. Liên quan đến lĩnh vực bình ổn giá, Nghị định 149 quy định chỉ lập quỹ bình ổn với mặt hàng xăng, dầu tiêu thụ nội địa ở nhiệt độ thực tế. Bỏ quy định bình ổn giá với mặt hàng điện, thóc, gạo tẻ thường. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước theo hướng đơn giản hóa, sẽ bãi bỏ thủ tục hành chính về kê khai giá nhằm tạo thuận lợi cho các DN.
Theo ông Long cũng thừa nhận, cứ đến dịp lễ, Tết, giá cả thường có xu hướng tăng, đó là do quy luật cung - cầu. Cầu tăng cao kéo giá cả tăng theo. Để bình ổn giá, việc của các cơ quan quản lý là can thiệp bằng cách tăng cung để kéo giá hàng hóa bình ổn. Với tình trạng “té nước theo mưa”, ông Long cho rằng, cơ quan quản lý cần phải giám sát chặt hơn nữa và có các biện pháp xử phạt các cơ sở kinh doanh, DN lợi dụng găm hàng, tăng giá. Còn việc bắt chẹt khách du lịch, khách nước ngoài, bán giá cao hơn giá thị trường nhiều lần thì các cơ quan quản lý cần có giải pháp xử lý. Ông Long cho hay: “Việc quản lý không phải là ép họ phải bán một bát phở cố định bao nhiêu tiền mà quản lý các nguồn thu để thu được mức thuế cao hơn… Anh bán giá cao, anh phải nộp thuế nhiều hơn. Bên cạnh đó, quy luật thị trường sẽ có sự đào thải, nếu cơ sở kinh doanh bán giá “chặt chém” sẽ bị khách hàng tẩy chay”.
 Đinh Nguyễn