Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng chuỗi liên kết trong nông nghiệp: Doanh nghiệp là “mắt xích” quan trọng

Tin, ảnh: Thu Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Trong lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp phải chủ động trong xây dựng các mô hình liên kết, xây dựng mối quan hệ hợp tác hài hòa với các tác nhân trong chuỗi cung ứng, đồng thời thúc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh”.

Đây là khuyến nghị của các chuyên gia đưa ra tại diễn đàn “Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và VCCI tổ chức sáng 8/9.
Toàn cảnh diễn đàn.
Toàn cảnh diễn đàn.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, tăng trưởng và phát triển nông nghiệp trong vài thập kỷ qua chủ yếu dựa trên cơ sở thâm dụng đầu vào sản xuất, nguồn lực con người và tài nguyên thiên nhiên. Dẫn chứng như năm 2014, năng suất lao động ngành nông nghiệp chỉ bằng 39% năng suất lao động chung của nền kinh tế. Điều này làm cho nông nghiệp Việt Nam phát triển thếu bền vững, đối mặt với nhiều khó khăn như giá trị gia tăng thấp, an toàn thực phẩm không đảm bảo và khả năng sinh lời thấp. Nguyên nhân là do phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; số lượng các doanh nghiệp nông nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ và tốc độ phát triển chậm.

Về vấn đề này, các ý kiến cũng đồng tình cho rằng, hiện năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng thấp, tăng trưởng trong ngành nông nghiệp những năm gần đây có xu hướng giảm, phát triển kém bền vững. Một trong những nguyên nhân quan trọng của những yếu kém trên là do phương thức sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa trên quy mô sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ manh muốn, doanh nghiệp hợp tác xã chậm phát triển, sản suất nông nghiệp thiếu liên kết. Thêm đó, việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển nông nghiệp nông thôn chưa tương xứng, đầu tư của xã hội cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng thấp, khoảng 5,4-5,6% tổng đầu tư cả nước. đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong nước còn thấp.

Kiến nghị tại diễn đàn, các đại biểu cũng cho rằng, trong lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp phải chủ động trong xây dựng các mô hình liên kết, xây dựng mối quan hệ hợp tác hài hòa với các tác nhân trong chuỗi cung ứng, đồng thời thúc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh.

Chủ tịchHĐQT Công ty Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) Lê Văn Tam đề nghị, Nhà nước cần có đổi mới chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nông nghiệp và nông thôn, thông qua cơ giới hóa, ưu đãi thuế, lãi suất giúp doanh nghiệp nông nghiệp. “Chúng tôi nhất trí là hỗ trợ bằng cơ chế hoàn trả chứ không cho không. DN nhận thức điều đó” – ông Tam nói. Cũng theo đại diện Công ty Mía đường Lam Sơn, Nhà nước cần chung sức cùng doanh nghiệp đào tạo, dạy nghề cho cho nông dân “vì chỉ doanh nghiệp làm thì không làm xuể”.

Các đề xuất nhằm phát triển nền nông nghiệp sạch cũng được thẳng thắn nêu lên tại Diễn đàn. Theo đó, Nhà nước cần có chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại vào sản xuất thay cho các hình thức canh tác truyền thống; phổ biến rộng rãi các kiến thức về sản xuất nông nghiệp hiện đại nhằm giảm bớt lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho thị trường trong nước và xuất khẩu; có chính sách tạo hỗ trợ vốn hoạc thiết bị, công nghệ cho các mô hình sản xuấ hữu cơ hoặc công nghệ nhằm tạo tiền đề khuyến khích phát triển theo xu hướng chung của thế giới...