Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Nhóm PVTS
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chiều 12/10, tham luận tại Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn tham luận về các cơ chế, chính sách nhằm khai thác, phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh: Hà Nội đã khẳng định vai trò là trung tâm hàng đầu về KHCN và đổi mới sáng tạo của cả nước, thể hiện qua quy mô về tiềm lực KHCN, cường độ đầu tư và kết quả hoạt động KHCN. Các nhiệm vụ KHCN đã chuyển mạnh từ phương thức chủ yếu giao trực tiếp sang đặt hàng tuyển chọn đơn vị thực hiện. Kết quả nghiên cứu được ứng dụng hiệu quả hơn vào thực tiễn, phục vụ trực tiếp công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Triển khai 345 nhiệm vụ khoa học & công nghệ, trong đó trên 85% nhiệm vụ sau khi nghiệm thu đã được ứng dụng vào thực tiễn.
 Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hồng Sơn tham luận tại Đại hội. 
Hà Nội đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ, cơ bản hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng chung Khu công nghệ cao Hòa Lạc, tạo thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động Vườn ươm Doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội từ tháng 1/2017. Hoàn thành dự án đầu tư cơ sở hạ tầng với trang thiết bị, công nghệ hiện đại của Thành phố tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
TP đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thông qua việc triển khai các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm có giá trị thực tiễn và khả năng thương mại hóa cao; hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển ý tưởng, hoàn thiện công nghệ, phát triển sản phẩm mới làm cơ sở thành lập các doanh nghiệp khoa học công nghệ. Phong trào khởi nghiệp sáng tạo bước đầu đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Chủ động hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn thành lập các doanh nghiệp khoa học, công nghệ; giai đoạn 2016 - 2020 cấp 60 giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, gấp 2 lần giai đoạn 2010 - 2015.
 
Giám đốc Sở KHCN Nguyễn Hồng Sơn cho biết, để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, xây dựng Thủ đô đến năm 2025 trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực, một trong những khâu đột phá quan trọng được xác định là phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Hà Nội cần phát triển thành Trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm KHCN của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực; trung tâm phần mềm hàng đầu Châu Á.
Để thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo, cần huy động mọi nguồn lực, cơ chế, chính sách để nhanh chóng đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực phát triển mới.
Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về KHCN và đổi mới sáng tạo. Trong đó, cần quan tâm có những chính sách đặc thù, vượt trội để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao công nghệ, làm chủ các công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Thứ hai, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo. Có chính sách vượt trội thu hút, đào tạo, đãi ngộ và sử dụng đội ngũ trí thức, nhất là các nhà khoa học, chuyên gia về công nghệ cả trong nước và quốc tế. Trước mắt, cần tập trung kết nối, huy động đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học trên địa bàn cùng vào cuộc, cùng đồng hành, tham gia tích cực vào hoạt động KHCN nói riêng và hiến kế, đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Về tại chính, phấn đấu đến năm 2025, tổng đầu tư xã hội cho phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn Hà Nội không thấp hơn 1% GRDP, trong đó chú trọng vào nghiên cứu, triển khai và ứng dụng công nghệ đối với lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao.
Thứ ba, tăng cường nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Cơ cấu lại các chương trình khoa học công nghệ gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cũng như yêu cầu về quản lý Nhà nước của các sở, ban, ngành, địa phương.
Thứ tư, phát triển thị trường KHCN gắn với đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo với định hướng trọng tâm là doanh nghiệp
Thứ năm, tăng cường liên kết, hợp tác nâng cao hiệu quả phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo. Xây dựng “Mạng lưới sáng kiến Thủ đô” nhằm liên kết chặt chẽ giữa các nhà quản lý, đội ngũ tri thức và doanh nhân nhằm phục vụ, giải quyết các vấn đề đặc thù trong quá trình phát triển của Thủ đô.
Xây dựng, gìn giữ và phát triển thương hiệu “Thành phố Hà Nội sáng tạo”, tạo bước tiến thuận lợi cho Thủ đô trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo, gia nhập nhóm các thành phố toàn cầu đang phát triển theo hướng đổi mới sáng tạo, hướng tới mục tiêu nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn hơn cho Hà Nội.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần