Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng hạ tầng Chương trình đô thị miền núi phía Bắc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 21/1, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã phát lệnh khởi công xây dựng các hạng mục công trình giai đoạn 1 Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc, TP. Thái Nguyên.

Tới dự Lễ khởi công có bà Marisela Montoliu Munoz, Giám đốc phát triển đô thị của Ngân hàng Thế giới và bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam – đại diện đối tác tài trợ vốn cho Dự án.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh ý nghĩa của việc chính thức triển khai xây dựng các hạng mục trong khuôn khổ Chương trình đô thị miền núi phía Bắc tại thành phố Thái Nguyên nói riêng và cả khu vực miền núi phía Bắc nói chung. Các hạng mục đầu tư này sau khi hoàn thành sẽ góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị, điều kiện vệ sinh môi trường, nâng cao mức sống cho người dân. Đồng thời, sẽ góp phần nâng cao năng lực quản lý đô thị của các đô thị tham gia Chương trình, là cơ sở để nhân rộng mô hình thực hiện đầu tư xây dựng theo phương thức giải ngân dựa trên kết quả. Đây là động lực to lớn để phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững tại các thành phố, thị xã trong vùng.

 
Các đại biểu dự lễ khởi công dự án.
Các đại biểu dự lễ khởi công dự án.
Phó Thủ tướng cảm ơn Nhà tài trợ Ngân hàng Thế giới đã tích cực ủng hộ và hợp tác rất thiện chí, tạo mọi thuận lợi cho các đơn vị thụ hưởng dự án thực hiện các công tác chuẩn bị dự án. Đây là dự án thứ hai trên toàn quốc áp dụng mô hình Giải ngân dựa trên kết quả nhưng đang là hướng đi quan trọng cho việc đạt mục tiêu kép là giảm nghèo và hướng tới sự thịnh vượng chung.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các nhà thầu thi công phải đề cao trách nhiệm, đảm bảo tiến độ, chất lượng của các hạng mục công trình. Nhà thầu, Ban quản lý, dự án nào yếu kém, làm chậm thì có thể xem xét, xử lý để dồn vốn cho các dự án khác hiệu quả hơn trong chương trình. Tỉnh Thái Nguyên thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho xây dựng. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành tập trung nghiên cứu, nhận thức đầy đủ và thực hiện các yêu cầu của Kế hạch hành động tăng cường và các yêu cầu nâng cao năng lực tổng hợp mà Chương trình đã cụ thể hóa thông qua các chỉ số giải ngân, thực hiện thắng lợi chương trình nhiều ý nghĩa này.

Chương trình đô thị miền núi phía Bắc được triển khai tại 7 đô thị thuộc các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái. Thái Nguyên là địa phương đi đầu trong việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để khởi công những hạng mục đầu tiên.

Được đề xuất và tài trợ vốn bởi Ngân hàng Thế giới, Chương trình có 2 mục tiêu: Đáp ứng nhu cầu nâng cấp, phát triển đô thị cho các thành phố thuộc vùng miền núi phía Bắc, bao gồm cải thiện điều kiện vật chất cho các khu vực thu nhập thấp được ưu tiên và xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực trong công tác quy hoạch, kế hoạch và thực hiện đầu tư xây dựng phát triển đô thị, quản lý tài chính có hiệu quả; Gắn đầu tư hạ tầng đô thị với việc tăng cường và kích hoạt năng lực địa phương để cải thiện hiệu quả công việc nhằm tiến tới nâng cao hiệu quả hoạt động và tác động của các dự án phát triển của Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ.

Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, phương thức triển khai và kinh nghiệm tổ chức thu được thông qua việc thực hiện Chương trình đô thị miền núi phía Bắc sẽ hình thành một mô hình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật gắn với nâng cao năng lực quản lý đô thị có thể áp dụng cho các thành phố của Việt Nam.

Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc được triển khai tại 7 tỉnh với tổng kinh phí 301,856 triệu USD, gồm 250 triệu USD vốn ODA, và 51,856 triệu USD đối ứng.

Tại Thái Nguyên, Dự án được đầu tư với 12 hạng mục, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm 5 hạng mục đầu tư gồm Nâng cấp đường Việt Bắc, Xây dựng trường Mầm non Đồng Quang, Cải tạo hạ tầng khu dân cư phố Cột Cờ, phường Trưng Vương, Cải tạo hạ tầng khu dân cư tổ 4,5,6 phường Hoàng Văn Thụ và Cải tạo Hồ điều hòa Xương Rồng.