Những tháng đầu năm nay tiêu thụ và xuất khẩu thép của các doanh nghiệp trong nước những tháng đầu năm sụt giảm tới 20% so năm 2022, trong khi lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam vẫn ở mức cao. Bởi hiện nay các sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam đều có thuế nhập khẩu bằng 0%.
Các hàng rào kỹ thuật bảo vệ sản xuất trong nước, kiểm soát chất lượng sản phẩm còn chưa tương xứng. Hiệp hội Thép Việt Nam gửi đơn kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và Bộ Khoa học Công nghệ đề xuất xem xét xây dựng hàng hàng kỹ thuật, thủ tục kiểm tra chất lượng đối với thép nhập khẩu vào Việt Nam.
Thép là mặt hàng có lượng nhập khẩu lớn, lại là ngành công nghiệp cốt lõi, xương sống, do vậy chất lượng thép tác động đến nhiều ngành kinh tế rất cần hàng rào kỹ thuật để đảm bảo nguồn thép vào trong nước đảm bảo chất lượng
Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 5 tháng đầu năm 2023, lượng nhập các sản phẩm thép vào Việt Nam đạt hơn 5,06 triệu tấn; trong đó lượng nhập khẩu thép từ Trung Quốc đạt hơn 2,65 triệu tấn, chiếm hơn 52% tổng sản lượng thép nhập khẩu từ tất cả các quốc gia. Đặc biệt, trong tháng 3/2023, lượng nhập thép từ Trung Quốc tăng 146% so tháng 3/2022.
Trong khi đó, sản xuất thép thô trong nước chỉ đạt hơn 7,5 triệu tấn, giảm 21% so cùng kỳ 2022; tiêu thụ đạt 7,6 triệu tấn, giảm 17% so cùng kỳ 2022; sản xuất thép thành phẩm của các doanh nghiệp đạt hơn 11 triệu tấn, giảm 21,8% so cùng kỳ năm 2022. Bán hàng thép thành phẩm đạt gần 10,4 triệu tấn, giảm 19,4% so cùng kỳ năm 2022.
Hiện nay các các điều kiện nhập khẩu thép rất "lỏng lẻo", sản phẩm thép không nằm trong mặt hàng nhóm 2 gây mất an toàn theo TT 06/2020/TT-BKHCN nên không yêu cầu công bố hợp quy, kiểm tra sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu. Thép nhập khẩu hiện nay đa phần thuế nhập khẩu là 0%, hàng hóa luồng xanh nên được miễn kiểm tra chi tiết về hồ sơ và hàng hóa.
Trước đây, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN, để được thông quan, thép nhập khẩu phải trải qua hai khâu kiểm tra: Kiểm định chất lượng tại tổ chức kiểm định được chỉ định. Sau đó, doanh nghiệp phải đem giấy kiểm định qua Chi cục Tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng của Sở Khoa học và Công nghệ để được cấp thông báo kết quả đạt chất lượng. Tuy nhiên, ngày 21/9/2017, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 18/2017/TT-BCT bãi bỏ quy trình nhập khẩu thép
Do vậy, việc nhập khẩu các sản phẩm thép vào Việt Nam được nới lỏng và không có quy trình kiểm tra chất lượng như trước đây dẫn đến việc nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam, đặc biệt sản phẩm từ Trung Quốc tăng rất nhanh.
Trong khi đó, Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang tăng cường áp dụng triệt để các hàng rào kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Các rào cản kỹ thuật được áp dụng rõ ràng tại các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, Anh….
Cụ thể, các sản phẩm khi xuất khẩu sang các quốc gia này đều yêu cầu có chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của quốc gia nhập khẩu đối với các sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Mục tiêu của các giấy phép này là ngăn chặn lượng nhập khẩu sản phẩm kém chất lượng, tăng cường khâu kiểm soát với thép nhập khẩu.
Do vậy, ngành thép trong nước đang chịu cảnh thua lỗ “kỷ lục” thì lượng thép nhập khẩu vào Việt nam vẫn ở mức cao, hưởng thuế 0% và không phải chịu bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào…
Vì vậy, Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Khoa học Công nghệ xem xét xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam, theo đó thép nhập khẩu cần phải có giấy chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam trước khi nhập khẩu. Đồng thời, tăng cường điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để hạn chế sản phẩm thép cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước.
Cần xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép tôn mạ kim loại và sơn phủ màu và các bộ ngành tăng cường công tác cảnh báo, dự báo xu thế thị trường hàng hóa, góp phần hỗ trợ cho sự phát triển ổn định của sản xuất trong nước.