Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Doãn Văn Hưởng, đến hết năm 2013, sau 22 năm tái lập, quy mô kinh tế của Địa phương đã tăng gấp 10 lần, GDP bình quân đầu người tăng gấp gần 60 lần, giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 69 lần so với năm 1991 (năm tái lập tỉnh). Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch tích cực, tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng - dịch vụ tăng từ 39% năm 1991 lên 82% năm 2013. Thu ngân sách đạt hơn 4.800 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 5.200 tỷ đồng, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 2,1 tỷ USD, thu hút được 1,26 triệu lượt khách du lịch.
Tuy nhiên, theo đánh giá của tỉnh, Lào Cai hiện vẫn là một tỉnh nghèo, thu nhập bình quân đầu người mới bằng ¾ bình quân chung cả nước, thu ngân sách mới đáp ứng được 30% nhu cầu chi, tỷ lệ hộ nghèo còn tới 20% và hộ cận nghèo là 12%, 113 xã/146 xã phường thuộc diện đặc biệt khó khăn. Theo dự kiến đến năm 2020, Lào Cai sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 10%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 10.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 10 tỷ USD; thu hút 4 đến 5 triệu khách du lịch và tỉnh sẽ tự cân đối được ngân sách (khoảng 12.000-13.000 tỷ đồng)…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tán thành về chủ trương mở rộng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai từ gần 80km2 hiện nay lên hơn 202km2, nhằm phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng thời, cho phép xây dựng thí điểm Khu hợp tác qua biên giới có diện tích 11km2, làm “hạt nhân phát triển” của Khu Kinh tế cửa khẩu.
Để tạo lập một hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện cho Lào Cai phát triển nhanh và bền vững trong nhiều năm tới, Chính phủ sẽ đàm phán về nguồn vốn để tiếp tục nâng cấp tuyến cao tốc đoạn Yên Bái - Lào Cai từ 2 làn xe lên 4 làn xe; chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu đề nghị đầu tư xây dựng dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hải Phòng; bổ sung quy hoạch và nghiên cứu khả năng xây dựng nhà máy phân bón DAP thứ 3 của Việt Nam tại Lào Cai; đồng ý về nguyên tắc cho phép thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao tại Sa Pa và Bắc Hà với quy mô 300ha và đưa Lào Cai trở thành một trung tâm giống cây ôn đới của khu vực phía Bắc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Không có cách nào khác là Lào Cai phải phát huy và đi lên từ chính thế mạnh và tiềm năng của mình để phát triển nhanh và bền vững”. Thủ tướng đề nghị Lào Cai cần tập trung khắc phục mọi khó khăn, hạn chế; khai thác tối đa những điều kiện mới đã và đang hình thành, nhất là đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai dự kiến hoàn thành vào tháng 9 tới, để phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình trong 4 lĩnh vực là kinh tế cửa khẩu; công nghiệp luyện kim và phân bón; nông nghiệp ôn đới và du lịch.
Bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương, Thủ tướng mong muốn Lào Cai huy động các nguồn lực ngoài Nhà nước để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Dù có những bước phát triển vượt bậc sau 23 năm tái lập tỉnh, song Lào Cai vẫn là một tỉnh nghèo, có đông đồng bào dân tộc sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn tới 20%. Do đó, theo Thủ tướng tỉnh Lào Cai phải quan tâm đến công tác giảm nghèo, đảm bảo thu nhập, việc làm, nâng cao đời sống Nhân dân gắn với công tác xây dựng nông thôn mới.
Thủ tướng đồng ý việc sớm xem xét và phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, đảm bảo quốc phòng - an ninh vững chắc, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, phấn đấu xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kinh tế - xã hội khu vực miền núi phía Bắc”; Đề án “Điều chỉnh Quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, với vị trí địa lý là một tỉnh miền núi, biên giới nên Lào Cai phải quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; tăng cường và đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh; xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, quan hệ hợp tác, phát triển cùng có lợi với Trung Quốc trên cơ sở bảo đảm chủ quyền, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận buổi làm việc.
|