Ngày 18/10, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP đã giám sát về tình hình, kết quả hoạt động của DN Nhà nước sau sắp xếp, cổ phần hóa tại Công ty CP Nhựa Hà Nội và Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro).
Cổ phần hóa năm 2008, với vốn điều lệ 65 tỷ đồng, trong đó cổ phần Nhà nước chiếm 81,71%, Công ty Nhựa Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Nếu như doanh thu bán hàng năm 2007 mới đạt hơn 150 tỷ đồng thì đến năm 2015 con số này đã là hơn 900 tỷ đồng, tăng 6 lần. Sau cổ phần hoá, tạo thêm việc làm cho trên 800 lao động, nộp ngân sách của đơn vị tăng 10 lần, thu nhập bình quân của hơn 1.300 lao động tăng gần 3 lần, hiện nay đạt hơn 9 triệu đồng/người.
Đánh giá cao kết quả hoạt động của công ty sau cổ phần hóa, nhưng Trưởng ban Kinh tế Ngân sách Phạm Thị Thanh Mai cho rằng: Công ty cần tiếp tục thực hiện lộ trình thoái vốn, bởi hiện nay DN mới bán được hơn 18% cổ phiếu. Theo bà Mai, công ty cần tiếp tục đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, tập trung nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, trong đó có sản phẩm công nghiệp phụ trợ. Đồng thời, xây dựng lộ trình thoái vốn thích hợp, thu hút đầu tư, tăng cường tiếp cận các chính sách của TP. Do số vốn Nhà nước nắm giữ nhiều, do đó việc kiểm soát minh bạch tài chính cần phải được công ty thực hiện công khai
Tại Tổng Công ty Hapro, Đoàn giám sát cũng ghi nhận, sau cổ phần hóa, Tổng Công ty và các đơn vị thành viên đã có tăng trưởng cao, tạo sự ổn định cho cán bộ, công nhân viên, không có đơn thư khiếu nại về việc cổ phần hóa. Tuy nhiên, để từng bước thực hiện thoái vốn nhà nước theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, Đoàn giám sát mong muốn Tổng Công ty Hapro cần xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện. Trong đó các phương án cổ phần hóa phải bảo đảm lợi ích của các bên, quan tâm đến người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
Tổng Công ty Hapro hiện có 4 công ty con thực hiện cổ phần hóa gồm: Công ty CP Thủy Tạ, Công ty CP Thương mại dịch vụ Tràng Thi, Công ty CP thực phẩm Hà Nội, CP Gốm Chu Đậu. Theo lãnh đạo Tổng Công ty, sau cổ phần hóa, DN có nhiều thuận lợi hơn trong việc xây dựng hệ thống quản trị. Chủ động hơn trong việc định hướng chiến lược phát triển; tinh thần, thái độ làm việc của nhân viên tốt hơn. Kết quả sản xuất kinh doanh của các DN sau khi cổ phần đều hoạt động tốt hơn. Cụ thể, doanh thu của Công ty Thủy Tạ trước khi cổ phần hóa (năm 2005) là 41.027 triệu đồng, đến năm 2015 đã tăng lên 104.934 triệu đồng; Công ty Tràng Thi sau một năm cổ phần hóa, cũng tăng từ 615.175 triệu đồng lên 626.910 triệu đồng. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận các Dự án sử dụng ngân sách Nhà nước của DN sẽ không thuận lợi bằng so với trước cổ phần hóa.