Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng nền công nghiệp hàng không VN phát triển tiên tiến

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo lộ trình của Vietnam Airlines, đến năm 2020, sẽ hình thành chuỗi các trung tâm công nghiệp hàng không ở 3 miền.

KTĐT - Theo lộ trình của Vietnam Airlines, đến năm 2020, sẽ hình thành chuỗi các trung tâm công nghiệp hàng không ở 3 miền. Miền Bắc là khu vực xung quanh cảng hàng không Nội Bài; miền Trung là khu vực gần sân bay Đà Nẵng, Chu Lai; phía Nam là khu vực cảng hàng không Long Thành.

Sau hơn 30 năm phát triển, kể từ ngày thống nhất đất nước, đến nay, Việt Nam đã có những cơ sở ban đầu để phát triển ngành công nghiệp hàng không.

Đó là hệ thống Luật Hàng không, là hãng hàng không quốc gia đã trở thành hãng hàng không có tên tuổi, uy tín trong khu vực, hệ thống cảng hàng không - sân bay đã được quy hoạch, hệ thống quản lý điều hành bay đã được giành lại và điều hành thành công FIR Hồ Chí Minh, một số cơ sở bảo dưỡng, đại tu đã hình thành. Trong đó các cơ sở của Vietnam Airlines đã bảo dưỡng đến C-check 4y và 12y cho hầu hết các loại máy bay đang khai thác...

Tuy nhiên, hình thành một nền công nghiệp hàng không với tầm cỡ quốc tế, đủ sức tham gia vào dây chuyền toàn cầu sản xuất và cung ứng của các nhà sản xuất lớn, đóng góp cho GDP của đất nước vẫn đang là ước mơ của rất nhiều thế hệ cán bộ ngành hàng không, và phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, xây dựng Việt Nam cơ bản thành nước công nghiệp vào năm 2020.

Ngày 10/4/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 123/TB-VPCP, giao Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) phối hợp các cơ quan hữu quan xây dựng định hướng dài hạn, tổng thể phát triển ngành công nghiệp hàng không Việt Nam.

Trong đó, cách tiếp cận mới ở tầm quốc gia, với chuẩn mực quốc tế được coi là một mấu chốt để xây dựng ngành công nghiệp hàng không của Việt Nam xứng với tầm cỡ quốc tế.

Có nghĩa là trước hết phải xây dựng một chính sách quốc gia về công nghiệp hàng không và một nền khoa học hàng không. Trong đó định nghĩa rõ ngành công nghiệp hàng không là một ngành kinh tế-kỹ thuật-công nghệ và dịch vụ, một bộ phận quan trọng của nền công nghiệp Việt Nam hiện đại với 4 trụ cột chính là công nghiệp vận tải hàng không; công nghiệp sản xuất, lắp ráp, đại tu, bảo dưỡng máy bay, động cơ; hệ thống hạ tầng kỹ thuật các cảng hàng không sân bay, các trung tâm trung chuyển hàng không lớn cùng các dịch vụ hàng không và phi hàng không; hệ thống đào tạo hàng không cấp quốc gia.

Để triển khai thực hiện đề án này, Vietnam Airlines đã có những bước đi cụ thể theo một lộ trình. Tháng 10/2009, Vietnam Airlines đã ký bản ghi nhớ với Tập đoàn Hàng không Vũ trụ châu Âu và Airbus đưa Việt Nam vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu của EADS và triển khai trước hết các hạng mục sản xuất và lắp ráp một số linh kiện máy bay A321 tại Việt Nam, sau đó sẽ là các cơ sở sản xuất, lắp ráp các loại máy bay khác tại Việt Nam.

Đồng thời,  Vietnam Airlines còn đàm phán với Mishubishi, với Boeing, các nhà sản xuất động cơ và công ty kỹ thuật có uy tín khác trên thế giới để hình thành các liên doanh trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp, bảo dưỡng, đại tu máy bay, động cơ, linh kiện hàng không.

Mục tiêu được đặt ra là trở thành nhà sản xuất cung cấp số 1 (tier1) về linh kiện, bộ phận cho các máy bay thương mại vào năm 2014, tiến tới thiết kế chế tạo máy bay nhỏ phục vụ nhu cầu kinh tế, đưa Việt Nam gia nhập bản đồ công nghiệp hàng không thế giới; đáp ứng 100% nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa đại tu thân, cánh các máy bay khai thác và động cơ vào năm 2015 đến 2020, cung cấp khoảng 80% nhu cầu sửa chữa đại tu các thiết bị hàng không khác vào năm 2016; cung cấp toàn bộ dịch vụ cung ứng phụ tùng vật tư cho các hãng hàng không trong nước và Đông Dương.

Về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, mục tiêu là xây dựng hệ thống cảng hàng không sân bay hiện đại, với 2 trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong đó, cảng hàng không Long Thành sẽ được xây dựng thành trung tâm trung chuyển quốc tế đa phương tiện, với lưu lượng thông qua 80-100 triệu pax/năm; đuổi kịp và quyết tâm vượt các trung tâm khác ở Bangkok, Singapore, Hongkong (Trung Quốc)…

Đối với lĩnh vực đào tạo, mục tiêu được đặt ra là xây dựng hệ đại học hàng không, các trường đào tạo phi công cơ bản, trường đào tạo chuyên ngành hàng không và trường đào tạo nghề hàng không…, đáp ứng 100% nhu cầu về phi công và kỹ sư của Việt Nam.

Theo lộ trình của Vietnam Airlines, đến năm 2020, sẽ hình thành chuỗi các trung tâm công nghiệp hàng không ở 3 miền. Miền Bắc là khu vực xung quanh cảng hàng không Nội Bài; miền Trung là khu vực gần sân bay Đà Nẵng, Chu Lai; phía Nam là khu vực cảng hàng không Long Thành.

Đến năm 2020, toàn bộ ngành công nghiệp hàng không sẽ phấn đấu có tổng thu nhập khoảng 12-15 tỷ USD, chiếm khoảng 5-8% GDP của Việt Nam, và phấn đấu đạt 10% vào những năm tiếp theo.

Xây dựng một nền công nghiệp hàng không của Việt Nam là chủ trương của Đảng và Nhà nước, là tâm huyết và mơ ước của các thế hệ cán bộ, các nhà khoa học, nhân viên trong lĩnh vực hàng không, vừa là mục tiêu, vừa là con đường phải đi qua để góp phần xây dựng nước Việt Nam công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Năm 2010 sẽ là một năm bản lề có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng với những bước đi ban đầu để thực hiện ước mơ táo bạo này./.