Kinhtedothi - Sáng 13/8, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã chủ trì buổi làm việc của Ban Thường vụ Thành ủy nghe, cho ý kiến về quy hoạch và cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư các dự án thành phần Khu vực phát triển đô thị hai bên đường Nhật Tân – Nội Bài.
Với diện tích nghiên cứu 2.080ha, trải dài gần 12km trên địa bàn hai huyện Đông Anh và Sóc Sơn, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 20 nghìn tỷ đồng, khu vực phát triển đô thị hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài sẽ là cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội trong tương lai. Tại đây sẽ hình thành và phát triển các trung tâm quy mô lớn về kinh tế, văn hóa, giao lưu quốc tế như trung tâm triển lãm - làng văn hóa ASEAN, trung tâm tài chính - tháp tài chính gắn với mặt nước.
Đây là Dự án có quy mô lớn nên Ban cán sự Đảng UBND TP đã nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù đầu tư các dự án thành phần khu vực phát triển đô thị hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài nhằm đáp ứng yêu cầu kiểm soát phát triển đô thị trong khu vực và làm cơ sở để thành phố quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch. Mục đích xây dựng cơ chế đặc thù nhằm tạo sự thông thoáng, thu hút, huy động nguồn lực đầu tư để sớm hình thành tuyến đô thị hiện đại dọc hai bên tuyến đường đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước. Ban cán sự Đảng UBND TP cũng đề xuất thành lập Ban chỉ đạo cấp TP để việc triển khai các dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả cao.
Các đồng chí lãnh đạo TP đang xem quy hoạch Khu vực phát triển đô thị hai bên đường Nhật Tân – Nội Bài
|
Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các đồng chí trong Ban Thường vụ và đại diện các sở, ngành liên quan, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị hoan nghênh, đánh giá cao sự chủ động, tầm nhìn của TP trong việc chuẩn bị quy hoạch này. Thống nhất cao với ý nghĩa, tầm quan trọng Khu vực phát triển đô thị hai bên đường Nhật Tân – Nội Bài, đồng chí yêu cầu các cấp, các ngành cần khẩn trương triển khai, nhưng cũng cần làm bài bản, khoa học.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng những đề xuất của quy hoạch khu vực này bước đầu đáp ứng yêu cầu, phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt, đảm bảo hai nhân tố quan trọng: xanh, sạch; hiện đại. Tuy nhiên, đồng chí nhấn mạnh trong quá trình triển khai, từ tên gọi đến kiến trúc, phải chú ý đến yếu tố bản sắc truyền thống để định hình rõ những khu đô thị này là của Hà Nội, của Việt Nam. Đơn cử như việc đặt tên các phân khu cũng cần nghiên cứu cho phù hợp, có tính biểu tượng gắn với lịch sử, văn hóa Thủ đô.
Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu UBND TP và các sở, ngành liên quan làm tốt công tác quản lý quy hoạch; đảm bảo kết nối hạ tầng đồng bộ giữa các khu đô thị mới với khu dân cư liền kề đảm bảo hài hòa, cân đối, trong đó xây dựng cơ chế cụ thể cả với nhà đầu tư thứ phát phải có trách nhiệm đóng góp kết nối hạ tầng. Đồng thời đề cập rõ hơn đến yếu tố dân cư; chú ý đến tiêu chí về môi trường, cố gắng tối đa bảo vệ các hồ, đầm hiện có.
Đối với những đề xuất về cơ chế đặc thù của Ban cán sự Đảng UBND TP, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh Ban Thường vụ nhất trí ủng hộ để dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ. Tuy nhiên, cũng cần xây dựng cơ chế cụ thể nhằm lựa chọn được những nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện. Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực phải đa dạng, bởi đất đối ứng và vốn ngân sách sẽ hạn chế, mà cần lấy hiệu quả khai thác dự án trong tương lai để làm căn cứ huy động.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị yêu cầu việc xây dựng Khu vực phát triển đô thị hai bên đường Nhật Tân – Nội Bài phấn đấu hoàn thành trong vòng 10 năm. Trong năm 2014, các ngành chức năng hoàn tất công tác chuẩn bị, từ năm 2015 sẽ bắt đầu triển khai. Thống nhất đề xuất phải có Ban chỉ đạo cấp TP, Bí thư Thành ủy đề nghị Chủ tịch UBND TP làm Trưởng ban và có sự tham gia của một số bộ, ngành liên quan.
Theo định hướng quy hoạch, tổng mặt bằng sử dụng đất là 1.534ha, quy mô dân số trên 14 vạn người; gồm 38 khu, 258 ô, 613 lô chức năng và giao thông với 23 chức năng sử dụng đất. Sơ đồ tổ chức không gian tại đây gồm 4 đoạn: Đoạn 1 (Đô thị cửa ngõ với định hướng công nghiệp – thương mại – nông nghiệp (N5 – 243,9 ha); Đoạn 2: Đô thị quốc tế – ASEAN City (N7 – 371,1 ha); Đoạn 3: Đô thị biểu tượng – bên sông (N8 – 694,8 ha); Đô thị sinh thái – Đô thị nước (R – 224,1 ha). |