Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng niềm tin và sự đồng thuận

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 1/11, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, nghe các thành viên Chính phủ giải trình làm rõ về tính chính xác của các con số thống kê, đặc biệt là cách tính GDP, tỷ lệ nợ xấu...

Đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, quan trọng lúc này là xây dựng niềm tin và sự đồng thuận.

 

 VAMC sẽ giải quyết được 30.000 - 35.000 tỷ đồng nợ xấu

 

Giải trình thêm về các chính sách điều hành tiền tệ trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình khẳng định, tiến trình xử lý nợ xấu thời gian qua đã có sự tham gia của toàn hệ thống ngân hàng và được giải quyết thông qua 3 hình thức: Cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ; Xóa nợ bằng nguồn dự phòng rủi ro; Và qua Công ty Quản lý tài sản (VAMC). Cụ thể, các NHTM đã tích cực thực hiện cơ cấu lại nợ, đến nay, tổng số nợ đã cơ cấu lại cho nền kinh tế và các doanh nghiệp lên đến trên 300.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% tổng dư nợ. "Trong đó có 60% các khoản vay nếu không được cơ cấu đã thành nợ xấu. Nói một cách khác, nếu không làm, nợ xấu của hệ thống đã tăng thêm 6%" -  ông Bình nói.

 
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh phát biểu giải trình trước Quốc hội. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh phát biểu giải trình trước Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Về cơ cấu nợ bằng nguồn dự phòng rủi ro, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, năm 2012 các ngân hàng đã trích lập trên 70.000 tỷ đồng và tính đến hết tháng 9/2013, đã trích lập thêm 32.000 tỷ đồng nữa. Như vậy, tổng cộng đã trích lập gần 100.000 tỷ đồng, cỡ hơn 3% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng. Riêng VAMC, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, đã xóa được 10.000 tỷ đồng nợ dưới chuẩn cho các ngân hàng, doanh nghiệp thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt (không sử dụng tiền ngân sách để mua bán nợ). Nếu cộng lại tất cả các con số cơ cấu lại nợ, trích lập rủi ro và qua VAMC thì tổng nợ xấu Việt Nam đã giảm được 10%.

 

Theo dự kiến của NHNN, hết năm nay, VAMC sẽ mua khoảng 30.000 - 35.000 tỷ đồng nợ xấu và trong năm 2014 sẽ xử lý được 100.000 - 150.000 tỷ đồng. Sắp tới, ngoài các giải pháp trên, theo ông Bình, nếu kết hợp xử lý cả nợ đọng xây dựng cơ bản sẽ giúp "đánh tan" thêm 3% nữa của "cục máu đông".

 

Mặc dù vậy, qua thảo luận, nhiều ĐB chưa hết lo ngại về nợ xấu và khả năng tăng trưởng tín dụng cả năm. Số liệu đến tháng 10/2013 cho thấy, tín dụng cả hệ thống tăng khoảng 6,8% trong khi chỉ còn 2 tháng để toàn ngành hoàn thành mục tiêu 12% được giao phó.

 

Trao đổi với các ĐB, người đứng đầu NHNN vẫn khẳng định có cơ sở để tin tưởng tăng trưởng tín dụng cán đích 11 - 12%. Bởi nếu gộp cả phần dư nợ tín dụng được xử lý qua trích lập dự phòng rủi ro và phát hành trái phiếu đặc biệt của công ty VAMC thì tăng trưởng tín dụng đã đạt 7,89%. "Trong quá trình điều hành, chúng tôi đã điều hòa lượng tiền lưu thông hợp lý. Ngoài ra cũng đã có số vốn tương ứng dự trữ để sẵn sàng cho tăng trưởng tín dụng cuối năm mà không ảnh hưởng tới kế hoạch cung tiền", ông Bình phân tích thêm.

 

GDP có thể tăng trưởng 5,4%

 

Trước những băn khoăn của các ĐBQH về tính chính xác của số liệu thống kê, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh tái khẳng định, những con số do Tổng cục Thống kê báo cáo là có thể tin cậy. Theo Bộ trưởng, hệ thống thống kê dù chưa hiện đại và toàn diện, nhưng đến nay, Việt Nam đã có một hệ thống dọc từ T.Ư đến chân rết tại cơ sở. Ngành thống kê cũng đã hòa nhập với thế giới, nên mọi con số đều được các tổ chức quốc tế thẩm định. Do vậy thống kê của Việt Nam tương đối đảm bảo, còn không thể tuyệt đối chính xác vì phụ thuộc vào đối tượng điều tra.

 

Trả lời ĐB Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) về tính chính xác của con số dự báo tăng trưởng GDP năm nay, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, đây là con số hoàn toàn có căn cứ và khiêm tốn nếu nhìn kết quả hết quý III. Với lập luận, tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm đạt 5,14%, tăng trưởng kinh tế từ đầu năm có sự cải thiện từng quý, nên ông Vinh cho rằng, tăng trưởng 5,4% trong năm nay, so với mức 5,03% năm ngoái là hoàn toàn khả thi.

 

Nói thêm về cơ sở để có thể đạt con số này, ông Vinh nhắc đến sự cải thiện của kim ngạch xuất khẩu, sự chuyển biến ngành công nghiệp chế biến chế tạo, đóng góp của khu vực FDI. "Lúc này, niềm tin là điều quan trọng và chúng ta phải xây dựng niềm tin để vươn tới. Chúng ta không tô hồng và bôi đen" - Bộ trưởng Vinh khẳng định.

 
Cần mở một đợt tổng kiểm tra "sức khỏe" doanh nghiệp để "kê thuốc" đặc trị, xử lý cụ thể từng loại "bệnh". Cần ưu tiên hỗ trợ tiếp cận vốn đối với các doanh nghiệp có triển vọng phát triển để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải phóng hàng tồn.
 
ĐB Hồ Thị Thủy (đoàn Vĩnh Phúc)

Gói kích thích kinh tế phải cân nhắc liều lượng trên tinh thần theo dõi sát lạm phát và ổn định vĩ mô. Chúng ta đã có bài học của các năm 2008 - 2010 đó là "nới nhanh phanh gấp". Về gói giải pháp nâng bội chi phát hành trái phiếu không nên chỉ tập trung vào các dự án mà có thêm kích thích xây dựng nhà ở để từ đó có tác động lan tỏa tới các ngành kinh tế khác mà vẫn đảm bảo được kích thích tăng trưởng và giới hạn được nợ công quốc gia.
 
ĐB Bùi Văn Phương (đoàn Nam Định)Chính phủ cần làm rõ và công khai các loại nợ. Hiện nay, tiếp cận vốn ngân hàng vẫn rất khó, gói 30.000 tỷ đồng chưa giải ngân được... Việc phát hành trái phiếu cần rà soát, cân đối, siết chặt kỷ luật để bố trí vốn hợp lý, đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đừng để chuyện đã rồi, không bấm nút không được mà bấm nút thì áy náy.
 
ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội)