Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng tầm nhìn mới cho du lịch Việt Nam

Tin và ảnh: Lệ Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 10/10, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch tổ chức Hội thảo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh, những năm gần đây, du lịch Việt Nam phát triển nhanh, tạo ra được nhiều đột phá. Những chỉ tiêu đặt ra đến năm 2020 thì năm 2017 cơ bản đã hoàn thành và đạt được. Chín tháng đầu năm nay, Việt Nam đã đón được hơn 11,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2017. Dự báo đến cuối năm 2018, lượng khách quốc tế đến sẽ đạt được 15,6 – 15,7 triệu lượt.
 Du khách quốc tế tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Với sự phát triển nhanh như vậy, theo Tổng cục trưởng, cần có tầm nhìn mới để thích ứng với xu thế và sự phát triển du lịch trong bối cảnh công nghệ số ngày càng hiện đại. Vì vậy, việc xây dựng Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất quan trọng.
Năm 2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, nhiều văn bản, chính sách đã được ban hành để khuyến khích và hỗ trợ du lịch phát triển. Tổng cục Du lịch đã xây dựng 5 đề án Tái cơ cấu ngành Du lịch; Xây dựng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Ứng dụng tổng thể công nghệ thông tin trong ngành Du lịch; Nâng cao hiệu quả công tác quảng bá xúc tiến du lịch; Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch). Đây đều là những đề án then chốt, tạo ra nền tảng lý luận và thực tiễn, góp phần đưa du lịch Việt Nam phát triển nhanh và bứt phá hơn nữa trong thời gian tới.
Tại hội thảo, lãnh đạo Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) đã trình bày khái quát báo cáo Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Báo cáo đã phân tích rõ về đánh giá hiện trạng và các yếu tố nguồn lực phát triển du lịch; bối cảnh và xu thế phát triển du lịch Việt Nam; Quan điểm phát triển du lịch; Mục tiêu; Giải pháp thực hiện.
Đề án Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu: Đến năm 2030, du lịch sẽ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác và nhiều địa phương, đồng thời, tối đa hoá đóng góp của du lịch đối với nền kinh tế, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đưa Việt Nam trở thành điểm đến thực sự hấp dẫn, chiếm thị phần ngày càng tăng trên thị trường du lịch quốc tế, thuộc nhóm 3 quốc gia phát triển du lịch hàng đầu khu vực Đông Nam Á và khẳng định vị thế điểm đến cạnh tranh toàn cầu.
Các đại biểu tham dự hội thảo đánh giá cao sự cần thiết của việc xây dựng Chiến lược, phù hợp với xu thế du lịch thế giới đang trở thành ngành kinh tế quan trọng, đồng thời các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về cách đặt vấn đề, chú trọng đến phần giải pháp thực hiện, đặc biệt là về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, hạ tầng, sản phẩm du lịch, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, cách thức hội nhập quốc tế, ứng dụng công nghệ số hiện đại để phát triển du lịch thông minh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển bùng nổ và rộng khắp…