Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng thành phố thông minh: Cơ hội vàng cho doanh nghiệp viễn thông

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với định hướng xây dựng các thành phố thông minh, cơ hội kinh doanh tại thị trường đầy tiềm năng và lợi nhuận này đang mở ra với DN trong nước cũng như tạo cơ hội cho các dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Khách tham khảo sản phẩm của VNPT tại triển lãm hàng công nghệ 4.0. Ảnh: Phạm Hùng
Nhà mạng cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp ngoại

Theo báo cáo do Công ty Nghiên cứu thị trường Persistence Market Research công bố cách đây không lâu, thị trường thành phố thông minh được đánh giá là vô cùng lớn về quy mô lẫn giá trị trong cả hiện tại lẫn tương lai. Cụ thể, thị trường này trên toàn cầu được dự đoán sẽ giữ mức tăng trưởng lên đến gần 19% trong 10 năm tới, với giá trị vào khoảng 622 tỷ USD của năm 2016 và lên đến 3.500 tỷ USD vào năm 2026.

Với những con số cực kỳ hấp dẫn nói trên, thành phố thông minh đang được nhiều tập đoàn công nghệ đa quốc gia như Google, Intel, IBM hay Ciso tập trung nguồn lực để phát triển cũng như khai thác. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia đánh giá, với việc Việt Nam bắt đầu khởi động xây dựng các thành phố thông minh, cơ hội để phân chia "miếng bánh" béo bở này vẫn rất rộng mở đối với các DN trong nước nếu biết nắm bắt đúng định hướng và thời cơ để phát triển.
Nếu chọn giữa DN, công ty tư vấn, chuyên gia trong nước với nước ngoài, thì TP sẽ ưu tiên chọn DN trong nước. Từ đó có thể thấy, DN Việt đã, đang và sẽ có rất nhiều thuận lợi để phân chia "miếng bánh" thành phố thông minh với các DN nước ngoài ngay trên sân nhà. 

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến
Nhìn nhận ra xu thế này từ cách đây vài năm, các hãng công nghệ lớn của Việt Nam như Viettel, VNPT hay FPT đã có những bước chuẩn bị tương đối bài bản khi đầu tư phát triển công nghệ cho các thành phần chính của một thành phố thông minh như hạ tầng kết nối, nền tảng tích hợp hệ thống cũng như công cụ quản lý, điều phối thông minh. Hơn thế nữa, lĩnh vực được phát triển cũng có tính trọng tâm khi trải đều từ chính quyền điện tử, giáo dục thông minh cho đến y tế thông minh và năng lượng thông minh.

Hiện tại, DN Việt đi đầu trong lĩnh vực thành phố thông minh có thể kể đến VNPT khi đang phối hợp cùng nhiều hãng công nghệ quốc tế triển khai đô thị thông minh cho gần 30 tỉnh, TP. Các lĩnh vực được VNPT đặt trọng tâm như chính quyền số, nông nghiệp, du lịch, môi trường và các mảng khác như an ninh an toàn, quy hoạch đô thị, giáo dục, y tế, giao thông đều nhận được sự đánh giá cao của chính quyền địa phương cũng như giới chuyên môn. Đồng thời, Tập đoàn này cũng khẳng định sẽ áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất như internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) hay dữ liệu lớn (Big data) vào ứng dụng cho các lĩnh vực trên trong thời gian tới.

Một DN Việt nổi bật khác có thể nói đến là FPT với việc đã tạo được hướng đi rõ nét và rất riêng khi tập trung phát triển công nghệ, đặc biệt là AI vào xây dựng thành phố thông minh. Tập đoàn công nghệ này cũng khẳng định sẽ đưa trí tuệ nhân tạo vào tất cả các ứng dụng công nghệ dành cho mô hình thành phố thông minh mà minh đã và sẽ triển khai nhằm hướng tới tiện ích và trải nghiệm cao nhất dành cho người dân cũng như DN tham gia vào mô hình này.

Thành công của FPT tại thị trường đô thị thông minh trong nước có thể thấy rõ qua các con số như: Xây dựng Chính phủ điện tử tại 22 tỉnh, thành; lĩnh vực y tế điện tử đang triển khai cho hơn 200 bệnh viện; giao thông thông minh đang triển khai và trải nghiệm tại Hà Nội cùng TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra DN này còn là cái tên xây dựng các hệ thống quản lý điện tử về dữ liệu đất đai, du lịch tại nhiều tỉnh, thành.

Startup phải ứng dụng được vào thực tế

Với một thị trường tiềm năng lớn và có tốc độ phát triển cực nhanh như thành phố thông minh cùng sự tập trung của nhiều hãng công nghệ hàng đầu thế giới cũng như trong nước. liệu có cơ hội có dành cho cộng đồng khởi nghiệp (startup)? Theo nhiều ý kiến chuyên gia, cơ hội này là hoàn toàn có nếu starup có thể đưa ra các giải pháp công nghệ đột phá và mang lại hiệu quả ứng dụng thực tế cao.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam Mai Duy Quang cho rằng, hiện Việt Nam đang trong giai đoạn đầu tiếp cận với mô hình thành phố thông minh. Vì vậy, dư địa để các startup trong nước tham gia thị trường này vẫn còn để ngỏ. Mặc dù khả năng thành công là không hề dễ dàng nhưng nếu tồn tại cũng như cạnh tranh được thì đó sẽ là startup có giá trị rất lớn và lâu dài.
Thành phố thông minh Cyberjaya được Chính phủ Malaysia bắt đầu xây dựng từ năm 1997. Trong 10 năm gần nhất, Cyberjaya nhận đầu tư 1,87 tỷ USD, đón 486 công ty thành lập, gồm những tên tuổi lớn như Dell, IBM, Huawei… và tạo ra trên 40.000 việc làm. Hiện đang có 430 DN khởi nghiệp đang hoạt động tại TP này.
Tập trung vào các sản phẩm công nghệ nhằm đáp ứng các nhu cầu của người dân trong thành phố thông minh như giao thông, y tế, giáo dục... là hướng đi phù hợp với các startup. Bên cạnh đó, các dự án khởi nghiệp không nên tham gia vào các mảng có yêu cầu lớn cả về nhân sự lẫn tài chính như hạ tầng kết nối, nền tảng hệ thống... mà nên tập trung vào các giải pháp công nghệ mang tính chất riêng biệt và đột phá.

Hiện tại, một số startup Việt cũng đã hướng tới thành phố thông minh theo một cách riêng thay vì trực tiếp cạnh tranh với các ông lớn công nghệ khác và cũng có được một số thành công nhất định. Có thể kể đến ứng dụng Misfit với những phụ kiện hỗ trợ sức khỏe, y tế thông qua các thiết bị di động như vòng tay, đồng hồ thông minh.

Nói về cơ hội của startup trong thành phố thông minh, chuyên gia Richard Kerr của Cyberview, một trong những DN đã xây dựng lên khu đô thị thông minh hàng đầu thế giới hiện nay Cyberjaya (Malaysia) cho rằng, luôn luôn có chỗ cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo. Chính những startup đã góp phần quan trọng nhất để giải quyết các vấn đề đô thị cũng như tạo nên bộ mặt đầy hiện đại của Cyberjaya ngày nay.

Có thể kể đến những starup tiêu biểu như Cyberjaya DTS về dịch vụ giao thông, cho phép người dùng đặt lịch di chuyển trực tuyến 24/7, nhờ đó có thể giải quyết được căn bản vấn đề giao thông đô thị tại Cyberjaya. Hoặc Socar, startup cho phép thuê xe ô tô tự động, người dùng có thể chọn xe gần nhất để lái đi mà không phải thông qua nhiều thủ tục rắc rối khác...