Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây khu kinh tế biển đạt đẳng cấp quốc tế

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khu kinh tế Vân Đồn là nơi giàu về nguồn tài nguyên cho phát du lịch sinh thái chất lượng cao nhờ có điều kiện tự nhiên thuận lợi, có nhiều đảo đất hoang sơ và nhiều hang động, bãi biển đẹp.

Trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, tỉnh Quảng Ninh được Bộ Chính trị xác định là một địa bàn động lực của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ quan trọng trong hợp tác quốc tế. Đến năm 2015, Quảng Ninh sẽ cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Vì vậy, tỉnh đã và đang tập trung mọi nguồn lực đầu tư, xây dựng nhiều dự án, công trình mang tính chiến lược nhằm khai thác các tiểm năng biển, hải đảo sẵn có.

Huyện đảo Vân Đồn là một trong những địa bàn có nhiều lợi thế để thực hiện chiến lược này, được Quảng Ninh ưu tiên huy động các nguồn lực, kêu gọi đầu tư để sớm xây dựng nơi đây trở thành khu kinh tế biển đạt đẳng cấp quốc tế trong tương lai gần.

Huyện đảo Vân Đồn có tổng diện tích hơn 2.170km2 với dân số 4,2 vạn người, trong đó diện tích tự nhiên hơn 550km2, phần vùng biển rộng tới 1.620km2, bao gồm 600 hòn đảo lớn nhỏ thuộc Vịnh Bái Tử Long nằm kề Vịnh Hạ Long. Huyện có hơn 20 đảo đất có dân cư sinh sống, trong đó đảo Cái Bầu là đảo trung tâm lớn nhất của huyện với diện tích hơn 300km2.
 
Xây khu kinh tế biển đạt đẳng cấp quốc tế - Ảnh 1
 
 
Tôm đánh bắt về cảng Cái Rồng, huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN)
 

Khu kinh tế Vân Đồn là nơi giàu về nguồn tài nguyên cho phát du lịch sinh thái chất lượng cao nhờ có điều kiện tự nhiên thuận lợi, có nhiều đảo đất hoang sơ và nhiều hang động, bãi biển đẹp. Tài nguyên văn hóa cũng được đánh giá là đa dạng và hấp dẫn, bao gồm các di chỉ khảo cổ Ngọc Vừng, Soi Nhụ, Hà Giắt; các di tích lịch sử như Đền Trần Quốc Tảng, Đền Quan Lạn, các lễ hội Vân Đồn, Quan Lạn, Ngọc Vừng...

Huyện đảo Vân Đồn được các nhà khoa học đánh giá là nơi có nguồn hải sản phong phú cả về số lượng và chủng loại. Chỉ tính năm 2012, sản lượng khai thác thủy sản của địa phương đạt tới 20.000 tấn với các loại tôm, cá, cua, ghẹ, trai ngọc, sá sùng, bào ngư, ốc bể...

Kinh tế biển Vân Đồn đã có truyền thống từ lâu đời, bắt đầu từ triều Lý. Kinh tế biển gắn với thương mại đã một thời rất hưng thịnh tại thương cảng Vân Đồn - nay là Khu kinh tế Vân Đồn. Những hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh quốc gia từ biển cũng đã được các vua của triều Trần quan tâm đặc biệt.

Với lợi thế vượt trội nằm trên hai hành lang kinh tế (Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Quảng Ninh; Nam Ninh-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng) và vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ trong hợp tác phát triển giữa Việt Nam-Trung Quốc (Hải Phòng-Khu công nghiệp dịch vụ đầm Nhà Mạc-thành phố Hạ Long-Khu kinh tế Vân Đồn-Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà-thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định 1296 ngày 19/8/2009.

Kể từ đó cho đến nay, Khu kinh tế Vân Đồn đã có bước phát triển khá toàn diện, với tổng sản phẩm đạt trên 2.492 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm (2007-2011) là 16,8% mỗi năm. Tổng vốn đầu tư cho toàn xã hội 1.400 tỷ đồng, tăng bình quân 22% năm.

Hiện Khu kinh tế Vân Đồn đang có trên 79 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 9.800 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 161 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động có tổng vốn đầu tư đăng ký 1.368 tỷ đồng.

Đặc biệt, khu kinh tế này đang được triển khai nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 9 phân khu chức năng. Đến nay, công tác khảo sát phục vụ lập quy hoạch phân khu của 4 khu chức năng quan trọng là Khu đô thị Cái Rồng 2.200ha; Khu đô thị Đoàn Kết 4.400ha; Khu công viên phức hợp phía Đông đảo Cái Bầu 2.000ha; Khu đô thị và cảng phía Bắc đảo Cái Bầu 2.000ha đã hoàn thành.

Đồng thời, huyện đảo cũng đã hoàn thành 10 đồ án quy hoạch chi tiết các khu chức năng khác.

Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung hoàn thành các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch phân khu chức năng còn lại của Khu kinh tế Vân Đồn. Đối với các dự án động lực, tỉnh sẽ sớm hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư, mặt khác có chính sách tạo vốn từ các các nguồn để triển khai đầu tư trước năm 2015 như Sân bay quốc tế Vân Đồn; khu dịch, dịch vụ và vui chơi giải trí tổng hợp quy mô lớn; đường quốc lộ 4B kéo dài qua khu kinh tế; cầu Vân Tiên và cảng Vạn Hoa.

Riêng các công trình hạ tầng thiết yếu như tuyến đường trục chính nối các khu chức năng chính của Khu kinh tế Vân Đồn; dự án nâng cấp tuyến đường xuyên đảo Ngọc Vừng; dự án đưa hệ thống lưới điện quốc gia ra các xã đảo; dự án đường từ khu Đông Xá và Khu công nghiệp chế biến thủy sản; dự án đường từ cảng Hòn 2 đến thôn Tân Lập và một số dự án hạ tầng khác sẽ được huy động tổng hợp các nguồn ODA, FDI, ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ và nhiều hình thức đầu tư để xây dựng hoàn chỉnh.

Với những động thái tích cực nêu trên, chắc chắn Khu kinh tế Vân Đồn sẽ sớm phát huy được những ưu thế riêng sẵn có để phát triển bền vững./.