Theo phản ánh của người dân, nước thải từ BV bao gồm nước thải phát sinh từ các hoạt động khám, chữa bệnh và trong sinh hoạt của bệnh nhân và cán bộ nhân viên BV. Qua các đợt kiểm tra của các ngành chức năng, chất lượng nước thải ra môi trường của BV luôn vượt quá tiêu chuẩn cho phép, gây ô nhiễm nghiêm trọng do bị hòa tan và nhiễm các chất độc hại có trong chất thải BV. Không chỉ có vậy, việc xả chất thải lâm sàng chung với chất thải thông thường còn gây ô nhiễm cả nguồn nước mặt và nước ngầm trong BV.
Về vấn đề này, lãnh đạo BV cho biết, với 21 khoa phòng, BV Đống Đa là đơn vị y tế đầu ngành của Hà Nội về truyền nhiễm. Hằng năm, BV khám, điều trị và tư vấn sức khỏe cho hằng trăm ngàn lượt bệnh nhân; tiếp nhận và điều trị tư vấn cho người có HIV/AIDS toàn thành phố… Vì vậy, lượng nước thải BV rất lớn, khoảng 80m3/ngày. Tuy nhiên, do chưa có hệ thống xử lý nước thải nên nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh trong BV và khu vực xung quanh bên ngoài rất lớn.
Được biết, ngày 22/4/2003, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 64/2003/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong đó có BV Đống Đa. Trên cơ sở đó, ngày 17/7/2009, HĐND TP Hà Nội đã ra Nghị quyết số 03/2009/NQ- HĐND và ngày 18/9/2010, UBND TP ban hành kế hoạch số 142/KH-UBND về triển khai Đề án nhiệm vụ và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn thành phố, trong đó có dự án xây dựng Trạm xử lý nước thải của BV Đống Đa. Đến nay, đã có 24/25 đơn vị hoàn thành xây dựng trạm xử lý nước thải, riêng chỉ còn BV Đống Đa chưa xây dựng.
Thực hiện chỉ đạo của thành phố, đồng thời bảo đảm vệ sinh môi trường BV và sức khỏe của nhân dân trong khu vực, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức nghiên cứu, khảo sát lập dự án xây trạm xử lý nước thải BV Đống Đa theo quy định của pháp luật. Ngày 25/10/2010, Sở KH&ĐT đã có Quyết định số 573/QĐ-KH&ĐT, phê duyệt điều chỉnh báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình. Theo đó, Trạm xử lý nước thải BV Đống Đa do Sở Y tế làm chủ đầu tư được xây mới trên diện tích gần 200m2, nằm trong khuôn viên bệnh viện, sau khi hoàn thành, trạm có công suất xử lý 100m3/ngày. Toàn bộ công nghệ xử lý nước thải theo công nghệ hiện đại nhất của Nhật Bản, được Bộ KH&CN thẩm tra, áp dụng tại một số BV T.Ư và Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Văn Yên, Phó Giám đốc Sở Y tế, đến nay, công tác chuẩn bị triển khai dự án đã cơ bản hoàn tất và bảo đảm các yếu tố kỹ thuật. Sở đang cùng bệnh viện quyết tâm đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện trạm xử lý nước thải trong thời gian sớm nhất, đảm bảo môi trường sạch cho bệnh nhân cũng như người dân Thủ đô. Ông Yên cho biết, việc xây trạm xử lý nước thải ở BV Đống Đa là việc làm cấp thiết, nhằm giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm nước thải BV, ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. Đây không chỉ là nguyện vọng của tập thể cán bộ, nhân viên y tế trong BV mà còn là mong mỏi của người dân khu vực, trong đó có cả bà con giáo dân và giáo xứ Thái Hà.