Trên thực tế, hầu hết chủ phương tiện xe kinh doanh đều đã thực hiện xong yêu cầu này. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, hiệu quả mà những chiếc thiết bị giám sát hành trình (còn gọi là hộp đen) mang lại chưa đúng như kỳ vọng ban đầu, bởi rất nhiều phương tiện, dù đã trang bị hộp đen nhưng lại không thể hoặc cố tình không chịu truyền dữ liệu về trung tâm dữ liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nay là Cục Đường bộ Việt Nam). Thậm chí, đã có không ít ý kiến tranh cãi về việc liệu những chiếc hộp đen kia có thật sự mang lại tác dụng trong công tác kiểm soát hoạt động kinh doanh vận tải hay không?
Tuy nhiên, tất cả những suy luận kia đã sớm “việt vị” khi mới đây, Ủy ban ATGT quốc gia có thông báo rất đáng chú ý về kết quả kiểm tra và xử lý phương tiện vi phạm giao thông qua thiết bị giám sát hành trình. Theo đó, tính tới ngày 6/9/2022, trên cả nước có hơn 920.000 phương tiện thuộc đối tượng phải lắp thiết bị giám sát hành trình đã truyền dữ liệu về Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu thuộc Cục Đường bộ Việt Nam và đã được Sở GTVT các địa phương cấp phù hiệu để hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, thông qua dữ liệu truyền về từ những chiếc hộp đen, có hơn 9,4 triệu lượt vi phạm tốc độ, tỷ lệ vi phạm bình quân là 0,74 lần/1.000km, giảm 32,72% so với cùng kỳ năm 2021.
9 tháng năm 2022, Sở GTVT các địa phương đã xử lý thu hồi phù hiệu trên 10.000 phương tiện, chấn chỉnh nhắc nhở trên 19.000 phương tiện. Rõ ràng, đây là những con số rất đáng mừng bởi nó cho thấy hàng triệu hộp đen đã được lắp đặt trên các xe kinh doanh vận tải bước đầu phát huy được hiệu quả. Dù thành quả ấy đến muộn nhưng đây là tín hiệu hết sức vui mừng.
Trong thời gian tới, khi các phương tiện hoàn thành việc lắp đặt camera giám sát, chắc rằng hiệu quả của những thiết bị giám sát hiện đại này đối với hoạt động vận tải sẽ ngày càng được nâng cao. Đây là viễn cảnh sẽ sớm thành sự thật khi trong báo cáo mới nhất của Sở GTVT các địa phương cho thấy, hiện nay, trên toàn quốc đã có khoảng 190.000 xe đã lắp đặt camera và truyền dữ liệu về Cục Đường bộ Việt Nam trên tổng số khoảng 205.000 xe phải lắp camera (đạt 95%). Số phương tiện còn lại chưa lắp camera chủ yếu do tạm ngừng kinh doanh hoặc đang sửa chữa bảo dưỡng dài ngày, chưa đưa vào hoạt động kinh doanh vận tải.
Mới đây, trong Nghị định 47/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được Chính phủ ban hành, yêu cầu từ ngày 1/7/2023, đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp camera theo quy định của nghị định này, khi tham gia kinh doanh vận tải lần đầu phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera để được cấp phù hiệu, biển hiệu.
Khi toàn bộ xe kinh doanh vận tải trên cả nước đều được lắp đặt camera giám sát tích hợp hộp đen, hiệu quả trong công tác giám sát, kiểm soát và xử lý vi phạm của cơ quan chức năng cũng như của chính những DN vận tải chắc chắn sẽ được nâng cao một cách rõ rệt. Ngày hái “trái ngọt” đang ngày một đến gần.