Bài 1: Sống chung với “xe thổ phỉ” Nhưng có một thực tế là trong khi các lực lượng chức năng của Hà Nội căng mình trên các tuyến đường chằng chịt ngõ ngách thì hầu hết mỏ khai thác đất, đá của tỉnh Hòa Bình lại gần như bị buông lỏng quản lý. Khuất mắt trông coi? Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT huyện Chương Mỹ Cao Đình Kim Anh cho biết, các mỏ đá khu vực giáp ranh đều là đất của huyện Lương Sơn (Hòa Bình) nhưng đường thì lại của Chương Mỹ. “Chúng tôi vẫn tuần tra, kiểm soát suốt ngày đêm trên đường nhưng các xe tìm cách trốn tránh nên gặp nhiều khó khăn, trong khi tại các mỏ là nơi dễ kiểm soát tải trọng nhất thì không quản lý tốt”. Thực vậy, trong hơn 2 tuần bám địa bàn, phóng viên lần lượt thâm nhập các mỏ Cư Yên, Long Đạt, Ba Mô, Mỹ Thành… đều của Hòa Bình nhưng không thấy bóng dáng lực lượng chức năng nào xuất hiện. Với đặc thù địa bàn giáp ranh, các xe chở đất đá hầu hết đều chạy sang địa bàn Hà Nội, việc khai mỏ đem lại lợi ích kinh tế cho Hòa Bình nhưng hệ lụy từ xe quá tải lại “để phần” Hà Nội. Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã nhiều lần tới UBND huyện Lương Sơn tìm hiểu thông tin nhưng do các phòng, ban chức năng đùn đẩy nhau, viện lý do “đi họp, phải làm báo cáo…” nên vẫn chưa có câu trả lời. Phải chăng chính quyền huyện Lương Sơn và tỉnh Hòa Bình chỉ cần “khuất mắt trông coi”, không ảnh hưởng đến đường sá, giao thông trên địa bàn mình là được (?).
Một trong những khu vực thể hiện rất rõ đặc thù phức tạp của địa bàn giáp ranh là đoạn đường qua xã Cố Thổ, huyện Lương Sơn. Đoạn đường này nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, một bên là lối lên mỏ đá, đối diện là ngã ba Long Phú (Quốc Oai), trong địa giới của Cố Thổ mọc lên rất nhiều quán cơm xe tải, xưởng sửa chữa xe tải. Các xe quá tải tha hồ dừng, đỗ ngang nhiên trên lề đường để tài xế nghỉ ngơi, ăn cơm, xong xuôi lên mỏ bốc hàng rồi tiện đường đâm ngang qua ngã ba Long Phú, lẩn vào con đường liên xã của Quốc Oai để đi tắt về Hà Nội. Các xưởng sửa chữa san sát nhau trong khu vực này hầu hết đều chỉ để phục vụ xe quá khổ, quá tải. Lân la hỏi chuyện, một thợ sửa chữa nói: “Ai chả biết xe cơi nới, xe nào chả chở quá tải. Họ đến thì mình sửa thôi, quan tâm nhiều làm gì”. Tránh, trốn và chống đối Đội phó Đội CSGT số 12, Đại úy Phạm Thế Giáp cho biết, trong năm 2015, Đội đã xử lý gần 1.000 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 1 tỷ đồng: “Tuy nhiên, chừng nào chưa kiểm soát được tải trọng tại kho bãi thì khó mà xử lý dứt điểm được tình trạng xe quá khổ, quá tải”. Vấn đề gây đau đầu nhất cho lực lượng chức năng là các DN có xe quá khổ, quá tải đang sử dụng rất nhiều mánh khóe để đối phó. Nắm được quy luật trạm cân tải trọng cứ mỗi 10 ngày lại di chuyển vị trí, các xe nằm im chờ trạm chuyển đi mới tung hoành trên đường lớn. Những ngày bị kiểm soát gắt gao thì thuê người dân địa phương đưa đường qua các lối tắt, hoặc làm “chim lợn” đi dò xét chốt chặn. Trong thời gian bám địa bàn, phóng viên đã nhiều lần chứng kiến một số đối tượng đeo khẩu trang kín mít, đi xe máy, tay lăm lăm điện thoại quanh quẩn bên các chốt, trạm, báo từ giờ nghỉ, giờ ăn của cán bộ, chiến sĩ cho đến vị trí, quân số tại chốt. Đội phó Đội CSGT số 9 Lê Văn Tiến chia sẻ: “Có lần tuần tra liên tục 5 ngày không thấy bóng chiếc xe có dấu hiệu quá tải nào. Đóng chốt tại các xí nghiệp, kho bãi thì mòn mỏi cả buổi chẳng kiểm tra được ai. Phục kích vị trí nào cũng chỉ được một lần, bắt giữ được một, hai chiếc là cùng”. Rất nhiều lái xe, chủ xe, DN vì lợi nhuận quá lớn mà bất chấp chở quá khổ, quá tải, khi bị kiểm tra lại tìm mọi cách chống đối, chây ì gây khó dễ cho lực lượng chức năng. Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT Cầu đường bộ, Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Ngọc Vinh ngao ngán kể: “Có lần đi từ sáng sớm, dừng được một chiếc xe mà xử lý đến chiều không xong”. Nguyên do là lái xe thì không mang theo giấy tờ, chủ xe thì không đến, hoặc không hợp tác, thậm chí còn tụ tập người chống đối lực lượng thi hành nhiệm vụ, hoặc khóa cửa xe bỏ đi, dẫn đến mỗi khi dừng xe kiểm tra, xử lý mất rất nhiều thời gian, tốn công sức thuyết phục mà hiệu quả xử lý lại thấp. Từ thực tế đó, các đơn vị CSGT, Thanh tra GTVT cả trên địa bàn lẫn tuần lưu đều mong muốn chính quyền TP có sự liên thông chặt chẽ với tỉnh Hòa Bình, tiến hành kiểm soát tải trọng ngay tại kho bãi, hỗ trợ lực lượng chức năng Hà Nội trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm. Chừng nào tỉnh Hòa Bình chưa xắn tay vào thì công tác kiểm soát tải trọng tại khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh, TP sẽ còn nhiều khó khăn, tồn tại, Hà Nội có cố gắng mấy cũng chỉ là “một tay vỗ không kêu” mà thôi.
Xe quá tải nườm nượp ra vào mỏ Cư Yên (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) mà không hề gặp bất cứ sự kiểm soát nào. |
(còn nữa)