KTĐT - Năm 2009, các hộ nuôi tôm tại tỉnh Bình Định bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, lũ lụt và môi trường bị ô nhiễm, nhiều hộ không có khả năng trả nợ tín dụng. Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo xóa nợ gốc cho các hộ nuôi tôm nói trên.
Thủ tướng yêu cầu Quỹ tín dụng nhân dân Phước Hòa sử dụng nguồn dự phòng rủi ro và Quỹ dự phòng tài chính của Quỹ để xóa nợ gốc cho các hộ nuôi tôm nói trên.
Trường hợp không có đủ nguồn, Bộ Tài chính trích từ dự phòng ngân sách Trung ương năm 2010 hỗ trợ cho Quỹ Tín dụng nhân dân Phước Hòa để có nguồn xử lý hết số nợ này.
Đồng thời, Quỹ Tín dụng nhân dân Phước Hòa cũng có các biện pháp hỗ trợ thích hợp đối với các đối tượng không thuộc diện xóa nợ như chỉ đạo của Thủ tướng.
Trao đổi với ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định), ông cho biết, trong năm 2009, toàn tỉnh đã có 2.208 ha mặt nước được đưa vào nuôi tôm, với năng suất bình quân đạt 1,9 tấn/ha/vụ, sản lượng đạt gần 5.000 tấn, tăng 1.000 tấn so với năm 2008.
Bình Định là một trong những địa phương thường xuyên phải hứng chịu thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra. Tính riêng cơn bão số 9 tràn vào các tỉnh miền Trung trong năm vừa qua, Bình Định đã có 683 ha hồ tôm bị ngập, sạt lở, tiếp đến cơn bão số 11 hoành hành hồi đầu tháng 11/2009 cũng khiến 360 ha hồ tôm bị ngập trong nước lũ.
Ông Tâm cho biết, sau lũ, người nuôi tôm trong tỉnh đã tiến hành sửa chữa, khắc phục những bờ tôm bị sạt lở, hư hỏng do mưa lũ tàn phá; đồng thời chuẩn bị những điều kiện cần thiết để bước vào vụ nuôi tôm mới.
Trong năm 2010, diện tích nuôi tôm của toàn tỉnh cũng vào khoảng 2.200 ha, nuôi thâm canh, thực hiện ở các vùng nuôi tôm trên cát và được nuôi 2 vụ năm. Vụ I từ tháng 2 đến giữa tháng 6; vụ II từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 12; đối tượng nuôi là tôm chân trắng, với mật độ từ 80-100 con/m2.