Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, chủ trương, chính sách, áp dụng quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng thời gian qua chưa được vận dụng sát với thực tiễn, thiếu hiệu quả. Số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý còn thấp, chưa tương xứng với tình hình. Các cơ quan thanh tra, kiểm toán tuy phát hiện được nhiều vi phạm về kinh tế nhưng việc xác định hành vi tham nhũng còn lúng túng dẫn đến xử lý hình sự ít. Việc xét xử các bị cáo về tham nhũng có biểu hiện chưa nghiêm, hình phạt nhẹ, số bị cáo được hưởng án treo chiếm tỷ lệ cao khoảng (40 - 45%). Số trường hợp bị can phạm các tội tham nhũng được đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 1, Điều 25, Bộ luật Hình sự chiếm tỷ lệ cao (khoảng 26,3% trên tổng số vụ cơ quan điều tra kết thúc điều tra đề nghị truy tố). Hơn nữa, tình trạng giải quyết các vụ án tham nhũng còn kéo dài, nhiều vụ từ 4 - 5 năm chưa xử lý dứt điểm do phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần. Phần lớn các vụ án tham nhũng bị kéo dài là do vấn đề giám định thiệt hại tài sản xảy ra (57%) chưa được làm rõ nên không đủ căn cứ quy định trách nhiệm hình sự. Việc tự phát hiện hành vi tham nhũng ngay trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị còn rất hạn chế. Số liệu báo cáo của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (Bộ Công an) cho thấy, chưa có một cơ quan quản lý Nhà nước thông qua công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi mình quản lý hoặc tự kiểm tra mà phát hiện ra tội phạm tham nhũng chuyển Cơ quan điều tra. Các đại biểu cho rằng, việc phòng, chống có hiệu quả nạn tham nhũng là đòi hỏi cấp thiết. Đây là vấn đề khó khăn, phức tạp, là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài phải tiến hành kiên trì, kiên quyết, liên tục, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, cần phát huy tối đa vai trò của các cơ quan Nhà nước cũng như xã hội, thực hiện đồng bộ hệ thống các giải pháp, trong đó nâng cao vai trò của các cơ quan Nhà nước trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng là một biện pháp then chốt, cơ bản... Nhiều đại biểu kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp đối với hoạt động phòng, chống tham nhũng, lãng phí; có biện pháp bảo vệ an toàn, kịp thời biểu dương, khen thưởng các cán bộ, đảng viên, người dân dũng cảm tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng.