Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa ra thông báo về Kỳ họp thứ 11, trong đó kết luận các sai phạm của tập thể và cá nhân liên quan đến sự cố môi trường biển Formosa là “nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật”, trong đó có ông Nguyễn Minh Quang - nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường và ông Võ Kim Cự - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng - Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị - một trong 4 địa phương chịu ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển nhấn mạnh, sự việc dù sao cũng xảy ra rồi, điều quan trọng bây giờ là làm rõ trách nhiệm để không chỉ xử lý nghiêm minh tập thể, cá nhân có sai phạm mà còn có ý nghĩa cảnh báo, răn đe, giáo dục với người được trao thẩm quyền.
“Tôi hoàn toàn ủng hộ tinh thần kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vấn đề còn lại là căn cứ vào mức độ vi phạm của các cá nhân, tập thể để có hình thức xử lý thỏa đáng với tính chất, hậu quả gây ra nhằm đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật” – ông Hoàng Đức Thắng nêu ý kiến.
Đánh giá cao việc xem xét xử lý kỷ luật với những người có sai phạm dù còn đương chức hay đã về hưu, vị Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị nói: “Một người cụ thể nào đó có hành vi vi phạm thì phải truy trách nhiệm đến cùng, không phải về hưu là xong. Quan điểm chung là không loại trừ ai, còn liên quan quy định mà văn bản quy phạm chưa bao quát được thì cần xem xét bổ sung”.
Đề cập tình hình tại địa phương, Đại biểu Hoàng Đức Thắng cũng cho biết, qua tiếp xúc thấy rằng bà con cử tri đánh giá hành động của Chính phủ thời gian qua là quyết liệt và khá kịp thời, nhất là công tác hỗ trợ, chỉ đạo đền bù cho người dân chịu ảnh hưởng từ sự cố môi trường.
“Điều bà con quan tâm nhất làm sao môi tường hoàn toàn trong sạch. Các chỉ số cho thấy tốt rồi thì công khai, làm rõ thế nào để lấy lại niềm tin của du khách, của khách hàng” – ông Hoàng Đức Thắng chia sẻ.
Còn đại biểu Trần Thị Quốc Khánh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thì nhấn mạnh: “Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thể hiện sự quyết liệt, nghiêm minh trong kỷ luật của Đảng, thể hiện tinh thần nói đi đôi với làm và trách nhiệm trong công tác cán bộ của Đảng”.
Sau khi xảy ra sự cố môi trường biển do Formosa gây ra, Quốc hội đã giao Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường trực tiếp giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường khu công nghiệp và khu kinh tế ven biển ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, trong đó có hoạt động của tập đoàn Formosa, báo cáo kết quả với Quốc hội để tiếp tục theo dõi, giám sát.
Theo bà Trần Thị Quốc Khánh, đoàn giám sát đã trực tiếp gặp gỡ để “lắng nghe nỗi lòng” của người dân, làm việc với doanh nghiệp và yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ là trả lại môi trường trong sạch.
“Đến bây giờ môi trường đã cải thiện tốt, Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ, chỉ đạo triển khai việc đền bù cho người dân khu vực chịu ảnh hưởng. Cơ bản người dân thấy an tâm và trở lại đánh bắt, sản xuất dù còn nhiều khó khăn” – bà Khánh cho biết./.
Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2008 -2016 đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; buông lỏng quản lý, điều hành; thiếu kiểm tra, giám sát; để xảy ra các vi phạm trong công tác thẩm định, phê duyệt, chấp thuận thay đổi đánh giá tác động môi trường, điều chỉnh địa điểm xả thải và quản lý nhà nước đối với dự án Formosa Hà Tĩnh. Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh các nhiệm kỳ 2004 - 2011, 2011-2016 đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; buông lỏng quản lý, điều hành; thiếu kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện dự án; để xảy ra các vi phạm trong thẩm định, phê duyệt, cấp phép và quản lý nhà nước đối với dự án Formosa Hà Tĩnh. |