Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý cây gãy đổ trong mùa mưa bão: Đừng chọn cách cực đoan

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hình ảnh sân trường ngổn ngang cây xanh bị chặt hạ, những cây phượng chỉ còn thân trơ trọi hoặc được “cách ly”… liên tục xuất hiện trên các phương tiện thông tin những ngày qua, khiến không ít người phải thốt lên hai chữ “xót xa”.

 Ảnh minh họa
Đành rằng sau sự cố cây phượng bật gốc gây tai nạn khiến nhiều học sinh thương vong tại TP Hồ Chí Minh, khiến các ngành chức năng, các trường học “giật mình” phải nhanh chóng rà soát, kiểm tra và đưa ra những giải pháp để bảo đảm an toàn cho học sinh, nhưng việc cưa gốc, chặt hạ hoặc cắt tỉa trụi hàng loạt cây xanh, đặc biệt là cây phượng thì quả là cách làm có phần cực đoan.
Sau vụ việc đau lòng bởi sự cố cây đổ, cây xanh tại nhiều trường học đã vô tình trở thành “tội đồ” cần phải xử lý. Bởi thế, không ít trường học ở nhiều địa phương thay vì cắt tỉa đã chọn giải pháp là tiến hành cưa đổ các cây xanh lớn, đặc biệt là cây phượng. Thậm chí có nhiều trường, có đến hàng chục cây phượng bị đốn hạ, khiến sân trường trở nên trống vắng. Lý do được các trường này đưa ra là sau khi tiến hành kiểm tra, rà soát, các cây này đều có biểu hiện mục rỗng hoặc sâu bệnh… Nhưng dưới một góc nhìn khác, nếu không xảy ra vụ việc đau lòng trên, liệu rằng các trường có tiến hành kiểm tra, rà soát và “phát hiện” cây bị mục rỗng, cần đốn bỏ, hay đây chỉ là lời giải thích.
Thật không mấy vui khi đến một trường học, mà sân trường không một bóng cây hoặc chỉ là những thân cây nhỏ, nhất là trong mùa nắng nóng. Cây xanh trong trường học, đặc biệt là cây phượng vốn là hình ảnh gắn bó với các thế hệ học trò. Bởi thế nhìn những hình ảnh cây xanh lớn trong trường bị hạ ngổn ngang hoặc còn trơ trọi không cành lá, không chỉ các nhà khoa học, mà người trong cuộc là chính các nhà giáo cũng đã phải lên tiếng, cho rằng đây không phải là một giải pháp tốt nhất, không phải là một cách làm có thể giải quyết được vấn đề đặt ra.
Từ vụ việc lần này, nhiều người lại nghĩ đến không ít vụ việc, vấn đề từng xảy ra. Cũng bởi việc sợ trách nhiệm, nên đã chọn cách giải quyết “tiêu cực” để “triệt để” hạn chế những vấn đề có thể phát sinh. Ví như trong đợt giãn cách xã hội cách đây không lâu, nhiều địa phương đã lấy đá chặn đường, hoặc “ngăn sông cấm chợ” để ngăn người từ nơi khác đến, tạo hiệu ứng không tốt trong xã hội.
Trở lại việc cây xanh trường học lần này, vẫn biết rằng việc duy trì an toàn cho học sinh là ưu tiên hàng đầu, nhưng có lẽ thay vì chọn giải pháp tiêu cực nhất là chặt bỏ, các trường nên có sự quan tâm hơn tới cây xanh trong khu vực mình quản lý. Thay vì “mất bò mới lo làm chuồng” nên thường xuyên tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn, định kỳ kiểm tra vấn đề sâu bệnh, tưới tắm, tỉa cành. Bởi không chỉ riêng cây phượng mà bất cứ cây gì cũng có thể xảy ra tình trạng gãy đổ nếu không được cắt tỉa cành, không được chăm sóc, theo dõi thường xuyên. Các nhà trường đừng quá lo sợ đến trách nhiệm mà đưa ra quyết định vội vã, cực đoan. Bởi để có một cây xanh cao lớn, tán cây mát rộng sẽ mất từ 5 đến 10 năm trở lên, không phải chuyện một sớm một chiều nói chặt là chặt tất.