Kinhtedothi - Sốt là một triệu chứng rất thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ. Hiểu biết những thông tin quan trọng về sốt ở trẻ em sẽ giúp phụ huynh chăm sóc trẻ sốt đúng cách, giúp trẻ mau chóng lành bệnh hơn.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Có nhiều nguyên nhân gây sốt ở trẻ, trong đó sốt do nhiễm trùng hoặc do một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em, phụ huynh cần chú ý để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho trẻ. Phần lớn sốt là do nhiễm trùng hoặc một căn bệnh nào đó gây ra. Sốt có nhiệm vụ giúp cơ thể chiến đấu với sự nhiễm trùng bằng cách kích thích cơ chế phòng vệ tự nhiên. Ngoài ra, trẻ nhỏ, đặc biệt là sơ sinh rất dễ bị sốt nếu được ủ quá kín hoặc ở trong một môi trường nóng. Nguyên nhân là do các bé chưa thể tự điều tiết thân nhiệt. Bên cạnh đó, tiêm chủng hay mọc răng cũng có thể làm tăng thân nhiệt, nhưng chỉ ở mức nhẹ. Nếu trẻ sốt nhẹ và vừa (thân nhiệt từ 37,50C đến dưới 38,50C), có thể chưa cần dùng đến thuốc hạ nhiệt, cho trẻ nằm nơi thoáng mát và nới bớt quần áo, đắp khăn ấm lên trán. Một số trường hợp trẻ sốt cao, nên dùng khăn nhúng vào nước nước ấm lau nhẹ khắp người, đặc biệt là ở nách, bẹn và trán. Cho trẻ uống thuốc hạ sốt, nếu không uống được thì dùng viên đặt hậu môn với hàm lượng thuốc tùy thuộc cân nặng, đồng thời cho uống nhiều nước. Tuyệt đối không được sử dụng Aspirin để hạ sốt vì có thể gây tổn thương cho não của trẻ (hội chứng Reye). Trường hợp trẻ đã dùng thuốc hạ sốt, lau mát tích cực mà trẻ vẫn không hạ được sốt, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị thích hợp. Ngoài ra, cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện khi trẻ có một trong những dấu hiệu sau: Trẻ dưới 2 tháng tuổi bị sốt trên 38 độ C; lừ đừ, ngủ li bì; bị nôn trớ nhiều; co giật hoặc bị sốt kèm tay chân lạnh run; trẻ bú kém, bỏ bú hoặc bỏ ăn; không uống được bất cứ thứ gì; trẻ nhỏ có thóp trước (mỏ ác) phồng lên; có dấu hiệu cổ cứng; dấu hiệu xuất huyết; nổi chấm đỏ trên da, chảy máu cam, chảy máu lợi, nôn ra máu, đi tiêu phân đen như bã cà phê hoặc những trẻ có biểu hiện lừ đừ, tím tái, tay chân nhớp lạnh. Khi trẻ bị sốt cao, co giật, phụ huynh không nên đắp khăn ướt lên ngực vì trẻ rất dễ bị nhiễm lạnh, viêm phổi. Không nên lau rượu hay đắp nước đá, không chà xát chanh lên người trẻ, không chích lể, không cạo gió, không nặn chanh hoặc đổ bất kỳ nước gì vào miệng khi trẻ đang co giật.