Theo Viện trưởng Viện KSND TP Hà Nội Đào Thịnh Cường, về tội phạm, Cơ quan điều tra (CQĐT) đã khởi tố 8.242 vụ, Viện kiểm sát phê chuẩn quyết định khởi tố 11.684 bị can (tăng 765 vụ (10,2%), 680 bị can (6,2%) so với cùng kỳ năm 2019).
Theo đó, liên quan tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia: CQĐT đã khởi tố 3 vụ/4 bị can (tăng 3 vụ/4 bị can so với cùng kỳ) về tội Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Viện trưởng Viện KSND TP Hà Nội Đào Thịnh Cường phát biểu tại Kỳ họp thứ 18, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV |
Đối với tội phạm về ma tuý, đã khởi tố 3.230 vụ/3.941 bị can (tăng 343 vụ (11,9%), 536 bị can (15,7%) về các tội tàng trữ, vận chuyên, mua bán trái phép chất ma túy. Hoạt động ma túy trên địa bàn liên quan đến các tuyến trọng điểm về ma túy như tuyến Tây Bắc, Đông Bắc và tuyến Miền Trung - phía Nam vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng rất manh động, liều lĩnh, tự trang bị vũ khí nóng, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. Phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng rất tinh vi như cất giấu ma túy trong các gói quà, thùng hoa quả hoặc các hốc rỗng của ô tô, xe máy... để tránh sự phát hiện, kiểm tra của các lực lượng chức năng.
Đối với tội phạm về tham nhũng và chức vụ, đã khởi tố 23 vụ/28 bị can (tăng 1 vụ (4,5%), giảm 66 bị can (70,2%), gồm Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ 9 vụ/12 bị can; Tham ô tài sản 6 vụ/5 bị can; Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản 2 vụ/2 bị can; Đưa hối lộ 1 vụ/1 bị can, Nhận hối lộ 3 vụ/4 bị can và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng 2 vụ/4 bị can.
Đối với tội phạm về kinh tế và môi trường, đã khởi tố 136 vụ/188 bị can (giảm 29 vụ (17,6%). 62 bị can (24,8%), trong đó CQĐT đã phát hiện, khởi tố 43 vụ/54 bị can về tội Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; 7 vụ/25 bị can về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; 55 vụ/58 bị can về tội Sản xuất, buôn bán và Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; 8 vụ/13 bị can về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả và Sản xuất, buôn bán hàng gia là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm...
Đối với tội phạm xâm phạm sở hữu, đã khởi tố 2.937 vụ/2.389 bị can (tăng 237 vụ (8,8%)/giam 191 bị can (7,4%), trong đó, Trộm cắp tài sản 2.009 vụ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản 437 vụ, Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản 119 vụ, Cướp tài sản 112 vụ, Cướp giật tài sản 139 vụ, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 73 vụ, Cưỡng đoạt tài sản 36 vụ...
Đối với tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, đã khởi tố 2 vụ/14 bị can (tăng 1 vụ/10 bị can so với cùng kỳ năm 2019) về tội Trốn khỏi nơi giam, giữ 1 vụ/3 bị can, Không chấp hành án 1 vụ/1 bị can, Cung cấp tài liệu sai sự thật, khai báo gian dối 4 bị can, Che giấu tội phạm 1 bị can, Không tố giác tội phạm 7 bị can.
Đối với tội phạm về trật tự xã hội: Khởi tố 1.911 vụ/5.130 bị can, tăng 209 vụ (12,3%), tăng 459 bị can (9,8%).Trong đó: Cố ý gây thương tích 510 vụ, Đánh bạc, Tổ chức đánh bạc, Gá bạc 546 vụ, Chống người thi hành công vụ 69 vụ, Gây rối trật tự công cộng 57 vụ, Chứa mại dâm, Môi giới mại dâm 102 vụ, Giết người 68 vụ... CQĐT đã khởi tố 88 vụ xâm hại tình dục trẻ em - tăng 24 vụ (37,5%) so với cùng kỳ năm 2019.
“Viện KSND TP Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị theo dõi chặt chẽ, xử lý nghiêm, kịp thời các vụ án xảy ra trong thời gian dịch Covid-19 và có liên quan đến việc phòng chống dịch như: Các vụ án chống người thi hành công vụ do được yêu cầu phải sử dụng các biện pháp phòng, chống dịch, các vụ án gây rối trật tự công cộng trong thời gian giãn cách xã hội, buôn bán hàng giả là thiết bị y tế, trang phục phòng dịch, khẩu trang...” - Viện trưởng Viện KSND TP Hà Nội Đào Thịnh Cường nhấn mạnh.