Kinhtedothi - Tình trạng lạm dụng chứng thực trên địa bàn TP gây lãng phí, tốn kém cho người dân, thời gian của các cơ quan Nhà nước.
Để làm rõ vấn đề này, cũng như sự quyết tâm của TP trong việc chấn chỉnh, hạn chế việc chứng thực tràn lan, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc phỏng vấn Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thanh Cao (ảnh bên) về các nội dung liên quan.
Từ năm 2007, Nghị định của Chính phủ đã quy định không cần thiết phải chứng thực và từ năm 2012, Sở Tư pháp Hà Nội cũng đã có văn bản đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng này vẫn chưa được khắc phục, ông có thể cho biết nguyên nhân tại sao?
- Tình trạng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực vẫn còn, do một số cơ quan, tổ chức chưa nhận thức đầy đủ về quyền và chưa thực hiện hết trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao không có chứng thực. Pháp luật quy định "Cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao không có chứng thực có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu". Nhưng thực tiễn những cán bộ được giao tiếp nhận hồ sơ hành chính lại "ngại" đối chiếu, "sợ trách nhiệm" vì pháp luật quy định "Người đối chiếu phải ký xác nhận vào bản sao và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính" nên đã yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực mà không tiếp nhận bản photocopy để tự đối chiếu với bản chính. Có lẽ, đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng lạm dụng bản sao có chứng thực.
Bên cạnh đó, cũng do người dân chưa cập nhật được các quy định mới của pháp luật theo hướng cải cách hành chính và hướng có lợi cho người dân nên một bộ phận người dân không biết rằng khi nộp hồ sơ hành chính, mình có quyền lựa chọn nộp bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực hoặc bản photocopy kèm bản chính để cơ quan tiếp nhận hồ sơ tự đối chiếu theo quy định tại Điều 6, Nghị định 79.
Giải quyết hồ sơ hành chính tại bộ phận một cửa phường Khương Thượng, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
Một số địa phương như huyện Từ Liêm (cũ) đã yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị trực thuộc không được đòi hỏi giấy tờ chứng thực mà chỉ cần đem bản photocopy và bản chính để đối chiếu. Tại sao mô hình này vẫn chưa được nhân rộng, phải chăng do các địa phương, đơn vị còn thiếu chủ động, hoặc ngại việc, sợ trách nhiệm, thưa ông?
- Qua công tác kiểm tra tư pháp nói chung và công tác chứng thực nói riêng, đến nay, các cơ quan, đơn vị của TP đã bước đầu thực hiện tốt việc tiếp nhận bản sao giấy tờ, tài liệu và đối chiếu bản chính, chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính. Huyện Từ Liêm (trước đây) là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện chủ trương này, sau đó, nhiều quận, huyện đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả như Hoàn Kiếm, Gia Lâm, Long Biên...
Trong 7 tháng đầu năm 2014, qua kiểm tra công tác chứng thực tại 8 quận, huyện, thị xã và 22 xã, phường, thị trấn cho thấy cơ bản thực hiện tốt, cán bộ thụ lý hồ sơ có nghiệp vụ để đối chiếu bản photocopy với bản chính. Tuy nhiên, một số ngành, lĩnh vực, tổ chức (nhất là các trường học, cơ sở giáo dục và đào tạo) vẫn yêu cầu phải nộp bản sao có chứng thực trong các hồ sơ tuyển sinh, tuyển dụng, tuyển lao động, giải quyết chính sách, hợp đồng giao dịch… Nguyên nhân có thể do tiếp nhận lượng hồ sơ quá nhiều, việc đối chiếu sẽ mất thời gian nên yêu cầu hồ sơ hành chính phải có chứng thực để tạo tâm lý yên tâm. Chính vì vậy, vấn đề cần quan tâm ở đây là yếu tố con người và trách nhiệm công vụ.
Thủ tướng Chính phủ, rồi UBND TP đã chỉ đạo và mới đây, Sở Tư pháp tiếp tục có văn bản hướng dẫn hạn chế việc lạm dụng chứng thực. Để thực hiện hiệu quả chủ trương đúng đắn này, theo ông, cần có những biện pháp và chế tài cụ thể gì đối với các cơ quan, đơn vị không chấp hành tốt?
- Sở Tư pháp đã ban hành Văn bản số 1761 ngày 9/7/2014 triển khai tới toàn thể các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP, đề nghị tăng cường trách nhiệm, thực hiện đúng quy định của Chính phủ và chỉ đạo của UBND TP. Theo đó, khi cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính nộp bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực thì cán bộ, viên chức tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu, trường hợp nộp bản sao không có chứng thực và xuất trình bản chính thì cán bộ, viên chức tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tự kiểm tra, đối chiếu bản sao với bản chính mà không được yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp bản sao có chứng thực. Mỗi cơ quan tiếp nhận hồ sơ hành chính cần tự tổ chức kiểm tra thường xuyên, đột xuất việc thực hiện trách nhiệm của cán bộ, viên chức tại bộ phận "Một cửa", "Một cửa liên thông", để kịp thời phát hiện và khắc phục ngay tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực; tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ, giáo dục ý thức trách nhiệm công vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân. Việc này phải được coi là thước đo đánh giá thi đua của từng đơn vị và cán bộ công chức hàng năm.Đồng thời, tổ chức tuyên truyền sâu rộng để người dân cập nhật được các quy định mới của pháp luật theo hướng cải cách hành chính và hướng có lợi cho người dân. Công dân cần được hiểu khi nộp hồ sơ hành chính, họ có quyền lựa chọn nộp bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính để cơ quan tiếp nhận hồ sơ tự đối chiếu theo quy định.
Sở Tư pháp Hà Nội với nhiệm vụ được UBND TP giao, sẽ chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng và Công văn chỉ đạo của UBND TP tại một số sở, ngành, địa phương và đề xuất UBND TP xử lý nghiêm đối với các đơn vị, địa phương không chấp hành.
Xin trân trọng cảm ơn ông!