Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý nợ xấu cần kết hợp nhiều yếu tố

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho rằng, nền kinh tế đang rất khó khăn, nhưng chưa phải quá lo về chuyện giảm phát.

Xử lý nợ xấu cần kết hợp nhiều yếu tố - Ảnh 1

Thưa Phó Thủ tướng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 lại tiếp tục âm tháng thứ 3 liên tiếp, cùng với việc thị trường tiền tệ trì trệ, liệu nền kinh tế có đối mặt với những nguy cơ do tình trạng thiểu phát gây ra?

- Có hai yếu tố để nói về việc nền kinh tế đang ở trong tình trạng thiểu phát là CPI đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp và thị trường tài chính tiền tệ đang rất trì trệ. Tuy nhiên, CPI giảm phải xem nguyên nhân chủ yếu từ đâu. Ở đây, CPI giảm phần lớn do giá lương thực, thực phẩm giảm. Hiện, các chỉ số sản xuất công nghiệp đã có khá lên, lượng tồn kho dù vẫn còn cao nhưng rõ ràng đã giảm. Tăng trưởng tín dụng tuy chậm nhưng so với năm ngoái, tốc độ vẫn khá hơn. Đánh giá trên những tiêu chí như thế thì chúng ta chưa phải quá lo lắng về chuyện giảm phát. Tuy nhiên, nền kinh tế thực sự còn đang hết sức khó khăn, doanh nghiệp cũng rất khó khăn. Chính vì thế, Chính phủ đang tính toán xem xét để tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết 02.

Chính sách tài khóa, trần nợ công và bội chi vẫn ở mức khá cao, nhận định của Phó Thủ tướng về vấn đề này thế nào?

- Về chính sách tín dụng, tôi không nói là quá chặt chẽ mà phải xem xét điều hành linh hoạt vì chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay đặt ra là 12%. Hết khung 12% này là quá tốt rồi. Nợ công vẫn đang trong giới hạn an toàn nên cũng vẫn cần phải xem xét là có thể phải huy động thêm nguồn lực để hỗ trợ nền kinh tế trong lúc khó khăn.

Xử lý nợ xấu cần kết hợp nhiều yếu tố - Ảnh 2

Giá lương thực, thực phẩm giảm kéo theo chỉ số giá tiêu dùng giảm.

 Vừa rồi, Chính phủ đã tập trung giải quyết hàng tồn kho, xử lý thị trường bất động sản, giờ là giải quyết nợ xấu và thậm chí, những dự án mới nếu có hiệu quả thì các ngân hàng phải xem xét cho vay. Còn trái phiếu chỉ ở mức độ thôi chứ không phải quá lớn. Nếu có phát hành thêm thì so với tổng dư nợ tín dụng của cả nền kinh tế, lượng đó cũng không đáng kể.

Việc Công ty VAMC ra đời với mục đích xử lý nợ xấu rất được kỳ vọng, song vẫn có ý kiến cho rằng như vậy mới chỉ là tạm "treo" nợ đó chứ không phải giải quyết được rốt ráo?

- VAMC có nhiều chức năng, trong đó có cả việc mua bán nợ chứ không chỉ có việc ấy. Nợ đọng hiện nay chủ yếu gắn với bất động sản nên hoạt động của VAMC là nhằm đảm bảo an toàn cho các tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng vẫn phải quản lý bất động sản đã nhận thế chấp. Trên danh nghĩa, VAMC nắm giữ chứ không xử lý cụ thể, việc xử lý cụ thể vẫn phải thông qua những công ty thẩm định giá, đấu giá.

VAMC không dùng ngân sách mà lại phát hành trái phiếu đặc biệt có đặt ra những nguy cơ rủi ro cho nền kinh tế không, thưa Phó Thủ tướng?

- Trái phiếu được đảm bảo bằng bất động sản cho nên không có vấn đề gì, đó là cách giúp ngân hàng thanh khoản được và tạo điều kiện cho những doanh nghiệp đang có nợ nhưng có dự án hiệu quả được vay khoản mới, vì nếu bị gắn với nợ xấu, nợ cũ thì họ không được vay. Còn việc ngân hàng chịu lỗ phần nào để đem tài sản thế chấp ra bán cũng giúp giảm áp lực của nợ xấu, hiện cơ quan điều hành vẫn yêu cầu các ngân hàng làm việc ấy một cách bình thường. Việc nào làm được vẫn phải làm theo luật tín dụng, chứ không phải để các hoạt động đóng băng hết. Việc xử lý nợ xấu cần kết hợp nhiều yếu tốt mới có thể triển khai được, không phải chuyện dễ dàng.

Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

Xử lý nợ xấu cần kết hợp nhiều yếu tố - Ảnh 3

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng:

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài khóa

Nhiệm vụ ưu tiên của ngành hiện nay là phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo tăng trưởng kinh tế cao hơn và giảm lạm phát thấp hơn năm vừa qua. Đồng thời siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương tài khóa, thực hiện công khai minh bạch để tăng cường sự kiểm tra giám sát của Nhà nước và xã hội.

Xử lý nợ xấu cần kết hợp nhiều yếu tố - Ảnh 4

Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn:

Cần thời gian để bắt nhịp công việc

Ngành kiểm toán làm việc theo nguyên tắc trung thực, khách quan và theo pháp luật. Tất nhiên, cơ chế chính sách hiện nay có những điểm đã chuẩn, có những điểm còn cần điều chỉnh, ngành kiểm toán cần xem xét thực tế để đưa ra kiến nghị. Quyết định bổ nhiệm của Quốc hội có hiệu lực ngay nhưng tôi vẫn cần có thời gian nhất định để bắt nhịp với công việc.