Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý nợ xấu chưa thực chất

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là ý kiến đã được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) nêu ra tại cuộc Họp báo công bố báo cáo kết quả kiểm toán năm 2015 (tiến độ tài chính ngân sách 2014) ngày 26/8.

Theo đó, hoạt động của các tổ chức tài chính, ngân hàng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nợ xấu tại nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) tăng nhanh.

Mua nhiều, xử lý khiêm tốn

Theo báo cáo kết quả kiểm toán năm 2015, dù 10/11 TCTD, ngân hàng được kiểm toán kinh doanh có lãi nhưng hệ thống các TCTD vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là trong công tác xử lý nợ xấu. Tổng nợ xấu toàn hệ thống tại thời điểm 31/12/2014 (theo báo cáo của các tổ chức tín dụng) là 145,2 nghìn tỷ đồng (tăng 28,7 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng 24,6% so với cuối năm 2013), chiếm 3,25% tổng dư nợ (giảm 0,36% so với năm 2013). Tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước là 4,83%.
Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, việc xử lý nợ xấu vẫn chưa thực sự hiệu quả. Trong ảnh: Giao dịch tại VPBank. Ảnh: Đinh Nguyễn
Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, việc xử lý nợ xấu vẫn chưa thực sự hiệu quả. Trong ảnh: Giao dịch tại VPBank. Ảnh: Đinh Nguyễn
Đại diện KTNN cho hay, các TCTD đã bán hơn 79.600 tỷ đồng trong tổng số 143.500 tỷ đồng  nợ xấu cho VAMC trong năm 2014. Theo báo cáo: KTNN đánh giá xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa hiệu quả. Năm 2014, VAMC chỉ xử lý được 28 khoản nợ, tương ứng 627 tỷ đồng trong tổng số 96.455 tỷ đồng nợ xấu đã mua”. Ngoài ra, KTNN cũng chỉ ra một số hạn chế như, các TCTD phân loại nợ chưa phù hợp, trích lập thiếu dự phòng rủi ro tín dụng, cho vay không đúng quy định nên chưa thu hồi được nợ; Một số đơn vị quản lý tiền mặt, tiền gửi chưa chặt chẽ, một số dự án đầu tư xây dựng phải tạm dừng, một số khoản đầu tư, góp vốn hiệu quả thấp… Tồn quỹ tiền mặt tại một số thời điểm cao hơn quy định nội bộ tại một đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, hai đơn vị thuộc BIDV, bốn đơn vị thuộc Vietcombank và tám đơn vị thuộc Ngân hàng Chính sách xã hội….

Nợ xấu nhiều ngân hàng lên đến 20 - 30%

Về việc kiểm toán đề án cơ cấu hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015, đại diện KTNN cho biết, hệ thống TCTD nói chung, các ngân hàng thương mại nói riêng đã từng bước được lành mạnh hóa. Trong quá trình triển khai còn một số khó khăn vướng mắc như việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém có chất lượng tín dụng không tốt; Áp lực lớn trong việc đảm bảo mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3% và đảm bảo các mục tiêu, hiệu quả hoạt động theo phương án cơ cấu lại… Đặc biệt, nhiều TCTD tỷ lệ nợ xấu cao và tăng nhanh.

Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) tại thời điểm 31/12/2014 là 11,05% (tăng 68% so với năm 2013). Công ty Chứng khoán MHB vi phạm các quy định trong hoạt động kinh doanh chứng khoán, dẫn đến nợ tồn đọng nhiều, khó có khả năng thu hồi (cho khách hàng nợ tiền mua chứng khoán 282,72 tỷ đồng; Cho vay mua chứng khoán thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư 53,16 tỷ đồng, thông qua hợp đồng ủy thác đầu tư 70,4 tỷ đồng); Kinh doanh thua lỗ không có nguồn để trả trái phiếu đến hạn 400 tỷ đồng, không quản lý tách biệt tiền và chứng khoán của nhà đầu tư và của công ty chứng khoán; gia hạn hợp đồng mua bán lại chứng khoán có kỳ hạn không đúng hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước...

Bên cạnh đó, theo KTNN, một vấn đề nan giải nữa là nhiều TCTD có năng lực tài chính đang rất yếu kém. “Có những TCTD nợ xấu lên đến 20 - 30%. Xử lý nợ xấu đối với các TCTD này cũng là vấn đề nan giải, khó khăn trong quá trình tái cơ cấu hệ thống TCTD”- đại diện KTNN chuyên ngành 7 cho hay.
Theo kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2014, hầu hết các bộ, cơ quan T.Ư, địa phương được kiểm toán đều có mức chi thường xuyên vượt dự toán. Dự toán Quốc hội quyết định và Chính phủ giao là hơn 704.000 tỷ đồng nhưng quyết toán hơn 723.000 tỷ đồng (tăng 2,7%). 16/50 địa phương được kiểm toán còn sử dụng nguồn dự phòng cho một số nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách; Một số địa phương hụt thu ngân sách cấp tỉnh hoặc ngân sách cấp huyện nhưng không thực hiện rà soát, cắt giảm nhiệm vụ chi theo quy định.
Quyết toán thu ngân sách Nhà nước năm 2014 đạt 877.607 tỷ đồng, vượt 12% dự toán. Trong khi đó, bội chi ngân sách năm 2014 là hơn 249.000 tỷ đồng, vượt hơn 25.000 tỷ đồng so với mức Quốc hội quyết định, bằng 6,33% GDP thực tế