Xử lý xe quá khổ, quá tải: Thiếu chế tài mạnh

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2019, công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực vận tải hàng hoá (VTHH) bằng ô tô trên địa bàn Hà Nội đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn đó những tồn tại, bất cập khiến cuộc chiến với vi phạm còn dai dẳng, khó khăn.

Đoạn đường qua xã Liên Hồng, Đan Phượng. Ảnh: Nguyễn Tùng
Tràn lan vi phạm
Theo thống kê của Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, tính đến ngày 19/12 vừa qua, toàn lực lượng đã kiểm tra, xử lý 9.966 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực VTHH bằng xe ô tô trên địa bàn TP. Qua đó, xử phạt hành chính 34.517.375.000 đồng; tạm giữ 192 phương tiện, tước bằng lái 1.098 trường hợp; tước tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường có thời hạn 133 phương tiện. Trong đó, vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải bị xử lý: 1.888 trường hợp; vi phạm về môi trường, giao thông (để rơi vãi, lôi kéo vật liệu ra đường: 4.884 trường hợp; đi vào đường cấm, giờ cấm, dừng đỗ sai quy định có 3.421 trường hợp).
Đối với vi phạm về môi trường của xe ô tô VTHH, TP có thể xem xét ban hành quy định cho tạm giữ phương tiện. Đó sẽ là chế tài đủ mạnh, hiệu quả đối với loại hình vi phạm này.
Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội Lê Xuân Tiến
Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội Lê Xuân Tiến cho biết thêm, cùng với việc duy trì tuần tra kiểm soát, lực lượng đã có hàng loạt kế hoạch phối hợp với CSGT, Cảnh sát môi trường, Ban Chỉ đạo 197 TP, tăng cường kiểm tra, xử phạt vi phạm trong lĩnh vực VTHH. Qua thực tế cho thấy, công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực VTHH của Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã đạt được kết quả rất tích cực. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng liên quan, vấn nạn xe quá khổ, quá tải trên địa bàn Thủ đô đang dần bị đẩy lùi.
Ông Lê Xuân Tiến cho hay, song hành với công tác tuần tra, xử lý vi phạm, Thanh tra Sở GTVT, đặc biệt tại các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa… đã triển khai tuyên truyền, vận động DN kinh doanh VTHH bằng xe ô tô, chủ đầu tư, đơn vị thi công tại các công trình xây dựng một cách hiệu quả. “Các vi phạm chở quá khổ, tự ý cơi nới kích thước thành thùng xe đã giảm rõ rệt; tuy nhiên, vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường vẫn còn diễn biến phức tạp” - ông Tiến nhận định.
Bất cập trong quản lý, chồng chéo quy định
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, các lực lượng chức năng của Hà Nội cũng còn gặp không ít khó khăn trong công tác xử lý vi phạm. Đặc biệt là tình trạng hình thành, tồn tại các bến bãi vật liệu xây dựng trái phép, không phép. Đơn cử như khu vực phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, hiện còn tồn tại nhiều bãi khai thác, trung chuyển cát trái phép. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xe quá khổ, quá tải vẫn hoạt động trên các tuyến đường Tây Tựu, Tỉnh lộ 70… Được biết, UBND quận Bắc Từ Liêm đã yêu cầu xử lý dứt điểm các bến bãi này, nhưng lời nói chưa đi đôi với hành động thực tế.
Ông Lê Xuân Tiến chia sẻ: “Có nhiều tính huồng cán bộ Thanh tra GTVT lâm vào tình trạng dở khóc, dở cười với vi phạm”. Ví dụ như với lỗi chở quá khổ, quá tải, do mức phạt rất nặng nên lái xe thường xuyên chống đối, chây ì, gây khó khăn, phải mất rất nhiều tiếng đồ hồ mới xử phạt xong một trường hợp. Còn với lỗi để rơi vãi vật liệu, gây ô nhiễm môi trường thì mức phạt lại còn khá nhẹ, hơn nữa, chỉ phạt lái xe chứ không phạt DN. Dẫn đến tình trạng coi thường quy định, vi phạm về môi trường của xe ô tô VTHH còn diễn ra phổ biến, gây bức xúc trong dư luận Nhân dân.
Để duy trì và nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác xử lý vi phạm của xe ô tô VTHH trong năm 2020, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội và các lực lượng liên quan cần tiếp tục phối hợp, vào cuộc đồng bộ, quyết liệt. Nhưng bên cạnh đó, Sở GTVT cũng cần tham mưu cho UBND TP Hà Nội ban hành các quy định, chế tài mạnh hơn nhằm tăng tính răn đe đối với vi phạm, kiên quyết triệt xóa các bến, bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trái phép.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần