Mạnh ai nấy làm
Sở GTVT Hà Nội vừa thống kê 36 trường hợp bị xử phạt vì thi công đào hè đường không phép, sai phép, vi phạm các quy định về trật tự, ATGT cũng như vệ sinh môi trường. Trong đó có những cái tên lớn như Công ty CP Viễn thông FPT, Tập đoàn Viettel, cũng có cả trường hợp hộ dân đơn lẻ. Nơi thì thi công đào hè đường khi chưa được cấp phép, làm xong không khôi phục nguyên trạng, gây mất ATGT; có nơi lại sẵn sàng bóc cả vỉa hè lên, làm lại theo ý mình... Đáng nói hơn, tình trạng tự ý đào hè đường, tập kết vật liệu ngoài công trường, không hoàn trả nguyên trạng sau thi công… đã diễn ra suốt nhiều năm qua. Mỗi năm có hàng trăm trường hợp bị xử phạt nhưng vẫn liên tục tái diễn, có đơn vị phạt hàng chục lần vẫn không biết sợ.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là chế tài xử phạt đối với hành vi tự ý đào bới, thay đổi kết cấu hè, đường, thi công gây mất ATGT, vệ sinh môi trường còn chưa đủ mạnh. Chưa có chế tài cụ thể đối với các đơn vị, cá nhân tái phạm nhiều lần. Mặt khác, việc kiểm tra, xử lý các vi phạm đào hè đường vẫn nằm gọn trong lĩnh vực giao thông, xây dựng, trong khi các tổ chức vi phạm lại hoạt động đa ngành nghề như: viễn thông, điện lực, cấp thoát nước… Việc xử phạt các hành vi vi phạm khi đào hè đường chưa có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý hạ tầng và cơ quan quản lý DN.
Thông tin từ Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, mức phạt đối với vi phạm trong thi công đào hè, đường, tập kết vật liệu ngoài công trường… từ 4 triệu - 14 triệu đồng. Mức phạt này còn quá nhẹ, chưa khiến các tổ chức, cá nhân thay đổi ý thức, nhận thức về hành vi sai trái của mình. Đơn cử với Công ty CP Viễn thông FPT, việc nộp phạt vài triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng vi phạm chẳng thấm tháp vào đâu. Đối với mỗi cá nhân cố tình tự ý thay đổi kết cấu vỉa hè để phục vụ mục đích riêng, phạt 4 triệu đồng cũng chẳng khiến họ e ngại.
Sẽ là thiếu khách quan nếu nói chính quyền địa phương và các đơn vị quản lý hè, đường buông lỏng cho vi phạm mặc sức diễn ra. Bởi nhiều hộ dân hay đơn vị thi công thường tranh thủ ngày nghỉ, đêm tối để đào xới vỉa hè, lòng đường. Có đơn vị thi công được cấp phép đàng hoàng nhưng vẫn cẩu thả bày bừa vật liệu, làm xong không hoàn trả mặt đường, khi làm việc với cơ quan chức năng thì thiếu hợp tác, thậm chí chấp nhận nộp phạt để được việc của mình. Vấn đề chính ở đây là chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, chưa mang lại hiệu quả thiết thực.
Cần bổ sung hình thức xử lý
Mỗi năm Hà Nội tốn hàng nghìn tỷ đồng để duy tu, sữa chữa hè, đường, đảm bảo trật tự, ATGT cho người dân đi lại. Công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường cũng đang ngày càng trở nên nặng nề, tốn kém hơn. Nếu không thay đổi thói quen “xử phạt hành chính”, TP sẽ còn phải tiếp tục chịu đựng nạn đào hè, đường cẩu thả, tự ý làm biến dạng hạ tầng phục vụ mục đích riêng.
Việc đầu tiên cần làm là tăng mạnh mức phạt tiền. Hiện nay ngoài chịu phạt tiền, các tổ chức, cá nhân vi phạm còn phải hoàn trả nguyên trạng hè, đường. Nhưng nếu chất lượng hoàn trả kém, đơn vị quản lý, duy tu vẫn phải xin kinh phí TP để tu bổ. Bởi vậy, để giảm thiểu gánh nặng cho ngân sách, cần tăng gấp nhiều lần mức phạt hành chính, trích lập một quỹ dự phòng cho sửa chữa, tôn tạo hè đường những khu vực bị cày xới trái phép, sai phép.
Mặt khác, nếu có thể bị xử phạt đến vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng, chắc chắn các đơn vị thi công hạ ngầm hay người dân đều sẽ có ý thức chấp hành tốt hơn các quy định của pháp luật. Như thời gian qua, nhiều lỗi vi phạm giao thông tăng gấp 4 - 6 lần mức phạt đã thực sự phát huy hiệu quả, khiến người tham gia giao thông tự giác hơn hẳn trong việc nâng cao ý thức chấp hành.
Bên cạnh việc xử phạt hành chính, các cấp chức năng cần nghiên cứu, xem xét bổ sung một số hình thức phạt khác, đặc biệt là đối với các tổ chức, DN. Ví dụ khi phát hiện vi phạm, Sở GTVT Hà Nội sẽ thông báo đến các bộ, sở, ngành như: TT&TT, Công Thương, KH&CN… để phối hợp xử lý trách nhiệm các đơn vị. Có thể đưa vào đánh giá chất lượng DN, quy trách nhiệm người đứng đầu các DN, tổ chức. Thậm chí, với những đơn vị cố tình tái phạm nhiều lần có thể tạm ngưng có thời hạn hoạt động kinh doanh tại khu vực vi phạm; hoặc từ chối cấp phép thi công hạ ngầm các lần kế tiếp.
Không ít người dân Hà Nội rất bức xúc với nạn đào hè, đường thi công cẩu thả kéo dài nhiều năm qua. Đã đến lúc TP Hà Nội và các bộ, ngành cần đề ra những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt triệt để tình trạng biến lòng đường, vỉa hè thành “cha chung không ai khóc”.