Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử phạt nặng để hạn chế vi phạm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng vi phạm luật giao thông của một bộ phận không nhỏ người dân đã kéo dài rất lâu, có nguy cơ hình thành một thói quen tùy tiện, gây ảnh hưởng xấu cho xã hội.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần nâng cao mức độ, đa dạng hình thức xử phạt để xóa bỏ thói quen nguy hại này.

Mức phạt chưa đủ tính răn đe

Hiện nay, tình trạng vi phạm luật giao thông đang lan rộng trong mọi tầng lớp xã hội, mọi lứa tuổi người tham gia giao thông, trở thành một trong những tác nhân chính gây ra tình trạng ùn tắc, mất ATGT, đặc biệt tại một đô thị lớn như Hà Nội. Trao đổi với báo chí, Trung tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, ATGT, Bộ Công an cho biết: “Trong các vụ TNGT, đa phần có lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện, như dừng đỗ phương tiện không đúng quy định, vi phạm về nồng độ cồn, vi phạm tốc độ...”. Có thể thấy, những hành vi vi phạm luật giao thông từ nhỏ đến lớn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ, trên mọi tuyến đường phố của Thủ đô. Đặc biệt nhiều là những lỗi: Vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, đi ngược chiều, chuyển hướng, quay đầu không đúng nơi quy định… Điều đáng nói là những vi phạm này không chỉ diễn ra vào giờ cao điểm, ngay những thời điểm bình thường trong ngày, đường phố thông thoáng, người dân vẫn cố tình vi phạm chỉ để tiện cho mình một khúc cua hay tránh vài chục giây đồng hồ dưới nắng nóng.
Cảnh sát giao thông Hà Nội làm nhiệm vụ tại nút giao Thái Hà - Láng Hạ.  Ảnh: Phạm Hùng
Cảnh sát giao thông Hà Nội làm nhiệm vụ tại nút giao Thái Hà - Láng Hạ. Ảnh: Phạm Hùng
Trên các tuyến đường huyết mạch dẫn vào trung tâm TP như Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Phạm Hùng…, lưu lượng phương tiện lớn, áp lực giao thông vào loại cao nhất cả nước, thường xuyên xảy ra ùn tắc nghiêm trọng trong các giờ cao điểm. Mà nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do ý thức người tham gia giao thông kém, ô tô dàn hàng ba, hàng bốn chiếm hết lòng đường; xe máy leo lên vỉa hè; người đi bộ tiện đâu sang đường đấy, xe ba gác, mô tô chở hàng cồng kềnh “vô tư” chen lấn… Trong khi đó, mức xử phạt các lỗi vi phạm phổ biến đến mức thành thói quen của người dân lại quá thấp. Ví dụ như: Chuyển làn đường không đúng nơi được phép, không có tín hiệu báo trước: phạt từ 80.000 - 100.000 đồng; quay đầu xe tại nơi cấm: 80.000 - 100.000 đồng; chạy dàn hàng ngang từ 3 xe trở lên: 80.000 - 100.000 đồng; các lỗi vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, sai làn, không chấp hành hiệu lệnh giao thông chỉ bị phạt từ 200.000 - 400.000 đồng… Với mức phạt này chắc chắn nhiều người không hề cảm thấy “ngại ngần”, vẫn tiếp tục vi phạm dù đã từng bị phạt nhiều lần. Bên cạnh đó, các hình thức xử phạt người vi phạm của Hà Nội cũng chưa đa dạng, chưa gây được áp lực lớn lên người tham gia giao thông để họ phải e sợ. Đó là còn chưa nói đến tình trạng “xin - cho”, nhắm mắt làm ngơ hay không đủ lực lượng xử lý trên các cung đường, tuyến phố đông đúc khiến vi phạm giao thông ngày càng lộ liễu, nghiêm trọng và có nguy cơ trở thành tập quán xấu của toàn xã hội.

Đa dạng hình thức, nâng mức xử phạt

Ở nhiều nước phát triển trên thế giới, trách nhiệm xử lý vi phạm giao thông được san sẻ cho nhiều lực lượng chứ không riêng gì CSGT. Hình thức phạt cũng rất đa dạng, “nóng” có, “nguội” có. Ví dụ, với lỗi đỗ xe không đúng nơi quy định, gây cản trở giao thông, cảnh sát Mỹ, châu Âu không nhất thiết phải gặp lái xe để lập biên bản, chỉ cần ghi vé phạt, kẹp trên kính, cuống vé gửi về cơ quan chức năng để lập danh sách và thu phạt; người vi phạm không hoặc chậm nộp phạt có thể bị truy tố ra tòa, chịu án tù. Nếu áp dụng biện pháp đó một cách nghiêm túc, triệt để ở nước ta chắc chắn sẽ giảm bớt gánh nặng nhân lực, thời gian xử lý vi phạm cho lực lượng chức năng. Hay các lỗi cố tình đi ngược chiều, đi sai làn đường…, nhất là nhóm hành vi vượt đèn đỏ, lái xe sau khi uống rượu bia, chạy quá tốc độ ở nhiều nước trên thế giới đều có khả năng bị đưa ra tòa, vừa phạt tiền, vừa phạt lao động công ích, thậm chí phạt tù. Các hình thức xử phạt nghiêm minh đó kết hợp với sự giáo dục, tuyên truyền sâu rộng, bài bản giúp cho việc hình thành ý thức chấp hành luật giao thông của người dân nhiều nước trên thế giới được dễ dàng và bền vững.

Mới đây, Ủy ban ATGT Quốc gia đã đề nghị nâng mức xử phạt với một số hành vi như đi xe máy vào đường cao tốc, lái xe sau khi uống rượu bia…, tuy nhiên, hình thức chủ yếu vẫn chỉ là phạt tiền, chưa có những điều luật, quy định cho phép phạt lao động công ích hay truy tố những người vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng hay tái phạm nhiều lần. Ông Phan Thuận (quận Ba Đình) nhận xét: “Điều đó cho thấy những người làm luật chưa hẳn đã sâu sát thực tế, chưa mạnh dạn có những đề xuất, ý kiến để hình thành một bộ quy tắc xử lý vi phạm luật giao thông mạnh mẽ hơn, đủ nghiêm khắc để răn đe, ngăn ngừa vi phạm”. Nếu ngoài bị phạt tiền, những người vi phạm luật giao thông còn phải đối diện với việc bị truy tố trước pháp luật, tham gia các lao động công ích như quét dọn đường phố, trợ giúp điều tiết giao thông cho lực lượng chức năng…, hẳn họ sẽ nhận thức sâu sắc hơn tác hại từ các hành động “bất tuân” luật lệ của mình. Bên cạnh đó còn cần nâng mức xử phạt thật cao với những vi phạm nhỏ như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đi sai làn đường…, bởi chính nhóm lỗi này là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ùn tắc, mất ATGT, đặc biệt trên những tuyến đường phố đô thị như ở Hà Nội. Mặt khác, lực lượng chức năng cần giữ vững chức trách, xử lý nghiêm vi phạm để đảm bảo tính nghiêm minh của luật pháp.
Theo Dự thảo Nghị định mới về xử phạt vi phạm giao thông: Người điều khiển mô tô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc phạt từ 2 - 4 triệu đồng; người có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở phạt từ 14 - 16 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 3 tháng; xe chở quá tải trên 150%, phạt chủ phương tiện, người vi phạm từ 28 - 32 triệu đồng...