Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất hiện nhiều tin giả về virus corona để câu view, bán hàng online

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người phụ nữ 33 tuổi chuyên bán hàng online đã tung tin sai sự thật về dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona để tăng tương tác, câu view trên mạng xã hội .

Tin giả trên mạng xã hội.
Sáng 28/1, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triệu tập ông Trần Văn Tùng (ngụ TP Vũng Tàu) để làm rõ việc người đàn ông này đăng thông tin sai sự thật về dịch bệnh do chủng mới của virus corona trên mạng xã hội.
Trước đó, vào lúc 21h ngày 27/1 tài khoản facebook Trần Tùng có đăng tải thông tin: Tại Bệnh viện Lê Lợi, TP Vũng Tàu có 2 trường hợp người Trung Quốc nghi bị nhiễm virus corona. Sau khi phát hiện bài đăng trên, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xác minh và xác định chủ tài khoản facebook là Trần Văn Tùng.
Qua làm việc với cơ quan công an, người đàn ông này khai nhận đã sử dụng tài khoản facebook trên để đăng tin về virus corona nhưng chưa được kiểm chứng. Hiện nội dung đăng tải trên facebook đã được ông Tùng gỡ xuống đồng thời đính chính nội dung đã đăng tải.
Liên quan đến vụ việc, bác sĩ Nguyễn Thanh Phước - Giám đốc Bệnh viện Lê Lợi cho biết, đến thời điểm hiện nay bệnh viện chưa ghi nhận bệnh nhân nào nhiễm virus corona.
Sáng cùng ngày, Bệnh viện Đa khoa An Phước (Phan Thiết) đã có văn bản gửi Sở Thông tin và Truyền thông; Công an tỉnh Bình Thuận đề nghị làm rõ thông tin 6 người Trung Quốc nhiễm virus corona đang cấp cứu tại bệnh viện.
Theo bác sĩ Lê Văn Anh - Phó Giám đốc Bệnh viện An Phước: "Trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý, bệnh viện không cấp cứu bệnh nhân nào người Trung Quốc, thông tin trên mạng trong 2 ngày qua là hoang tin".
Vào cuộc xác minh, Công an phường Phú Tài (TP Phan Thiết) đã mời bà Nguyễn Thị Liên Dung (SN 1986, trú tại phường Phú Tài) lên làm việc. Bà Dung là chủ tài khoản facebook "Dung Nguyễn" đã đăng tải nội dung sai sự thật về việc 6 người nghi nhiễm virus đã bị cách ly tại Bệnh viện An Phước.
Tại buổi làm việc bà Dung đã thừa nhận hành vi của mình. Hiện thông tin sai sự thật trên đã được gỡ khỏi trang facebook của bà Dung. Người phụ nữ trên chuyên bán hàng online trên mạng xã hội.
Trước đó, tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng... cũng xuất hiện những thông tin tương tự trên mạng xã hội về việc phát hiện thêm nhiều trường hợp nhiễm virus corona. Ngay sau đó chính quyền các địa phương đã lên tiếng bác bỏ, đồng thời chỉ đạo lực lượng công an vào cuộc xác minh, kiên quyết xử lý các trường hợp cá nhân tung tin đồn thất thiệt.