Trong khi đó, nợ đọng thuế lại là con số không nhỏ. Vì thế, bên cạnh các biện pháp tăng thu, thu nợ thuế là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong những tháng cuối năm.
Lúng túng xử lý nợ
Chưa năm nào thu NS lại trở thành mối bận tâm lớn với ngành tài chính như hiện nay. Ban chỉ đạo chống thất thu NS được Bộ Tài chính đề nghị thành lập trên khắp cả nước. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, năm nay thu NS vô cùng khó khăn, đặc biệt tình trạng trốn thuế, nợ thuế tăng lên. Từ tháng 6 tới nay, ngành thuế đã chuyển 32 hồ sơ có dấu hiệu vi phạm hình sự sang cơ quan công an, khởi tố 17 vụ, bắt giữ 22 đối tượng. Dù vậy, tỷ lệ nợ đọng thuế cao vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Trên địa bàn Hà Nội, chỉ riêng số nợ của 77 doanh nghiệp (DN) chây ỳ nợ thuế từ nhiều năm nay đã lên tới 1.800 tỷ đồng. Theo báo cáo của Cục Thuế Hà Nội, hiện có 2 khoản nợ đọng thuế lớn làm ảnh hưởng đến dự toán thu NS của TP là thuế phí và các khoản liên quan đến đất đai; thuế nợ đọng của DN. Trong 9 tháng qua, cơ quan này đã thu hồi nợ thuế trên 5.000 tỷ đồng nhưng mới chỉ đạt 52% tổng nợ đọng phải thu hồi. Nhiều DN có dấu hiệu mất khả năng trả nợ thuế và cơ quan thuế không thể liên lạc được để xử lý nợ đọng.
Một lãnh đạo của Tổng cục Thuế cho biết, trước thực trạng nhiều DN kêu khó trong sản xuất, kinh doanh, không có doanh thu, nợ vay nhiều… Tổng cục Thuế đang họp bàn, tìm các giải pháp thu nợ khả thi hơn. Theo vị lãnh đạo này, nhiều địa phương có thực tế, khi cơ quan thuế chuẩn bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thuế DN mới lo trả. Đấy là DN có nợ ít, vẫn xoay xở được tiền, còn những DN nợ lớn, vài trăm tỷ đồng việc truy thu gặp không ít khó khăn, có chăng họ chỉ nộp được một phần nợ thuế phải nộp.
Phải rà soát, phân loại nợ
Để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN, giải pháp "tái cơ cấu nợ thuế" đang được Bộ Tài chính xem xét. Hiện tại, cơ quan thuế đã bắt tay vào làm và nghiên cứu phương án xóa các khoản nợ đọng thuế quá lâu không còn khả năng thu hồi, xem xét khoanh nợ đối với các khoản phạt thuế do chậm nộp, rà soát những khoản nợ đọng thuế kéo dài với mức phạt chậm nộp cao theo hướng trước mắt thu lại khoản nợ gốc, khoản tiền phạt phát sinh thu sau.
Hụt thu NS là hệ quả từ khó khăn chung của nền kinh tế kết hợp với việc giãn, giảm thuế cho DN. Tuy nhiên, theo một đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc nở rộ trong thời gian gần đây về nợ đọng, thất thu đã tiếp tục chỉ ra sự thiếu bền vững trong thu NS. Cơ quan này cũng cho rằng, việc để số nợ đến hàng ngàn tỷ đồng quá hạn còn có trách nhiệm của cơ quan thuế. Theo ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đã có thời kỳ tiền mặt khan hiếm, mức phạt chậm nộp thuế lại thấp hơn rất nhiều so với lãi vay ngân hàng nên DN cố tình chây ỳ, chấp nhận nộp phạt để chiếm dụng tiền thuế làm vốn kinh doanh. Nếu chây ỳ quá lâu dẫn đến được xóa nợ thuế thì tình trạng nợ đọng thuế không thể được cải thiện. "Về nguyên tắc, DN có nguồn thu, có lợi nhuận mới phát sinh nghĩa vụ thuế. Nợ đọng thuế phát sinh từ trước, lúc có tiền, DN chây ỳ không nộp thuế. Nay không có tiền phải bán tài sản đi để trả nợ. Chính vì thế, dù không phản đối quan điểm nợ thuế vì khó khăn thì cần và nên có giải pháp để hỗ trợ DN vượt qua, nhưng ông Kiêm cho rằng, cần phải sàng lọc kỹ đối tượng, thực hiện đúng địa chỉ, phải tìm hiểu rõ nguyên nhân đó là do yếu tố khách quan hay do họ cố tình trốn thuế. "Cần xử lý triệt để các trường hợp chậm nộp thuế bởi nếu cứ tiếp tục để tình trạng tồn đọng, chây ỳ tiếp diễn, sẽ trở thành tiền lệ cho các DN khác, gây thiệt hại cho những DN nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về thuế" - ông Cao Sỹ Kiêm đề xuất .
Làm thủ tục hành chính tại Chi cục Thuế Hai Bà Trưng. Ảnh: Tâm Anh
|
Tâm lý "ăn theo" khó khăn chung của nền kinh tế để nợ thuế là điều có thật. Nhưng DN nào có khả năng trả mà lại chây ỳ là vấn đề cơ quan thuế sẽ phải làm rõ trong thời gian tới. Thứ trưởng Bộ Tài chính Hoàng Anh Tuấn |