Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu còn nhiều dư địa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù kim ngạch xuất khẩu (XK) năm 2015 không đạt mục tiêu Quốc hội đã đề ra, nhưng năm 2016, các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ tạo cơ hội cho DN Việt Nam mở rộng thị trường, tăng kim ngạch XK.

Không cán đích tăng 10%

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2015, tổng kim ngạch XK mặc dù đạt 162,4 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2014, nhưng so với mục tiêu tăng trưởng 10% lại chưa đạt kế hoạch. Nguyên nhân kim ngạch XK tăng trưởng không như mong muốn là bởi trong năm qua, thị trường thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, kinh tế phục hồi chậm, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa giảm, dẫn đến sự suy giảm của một số mặt hàng XK của Việt Nam. Đặc biệt, những sản phẩm XK thế mạnh như nông, lâm, thủy sản, dầu thô, than đá… đã có sự sụt giảm sâu về giá, lượng hàng XK, tác động tiêu cực đến năng lực XK của Việt Nam. Cụ thể như mặt hàng dầu thô vốn chiếm kim ngạch lớn nhưng từ cuối năm 2014 đến hết năm 2015, giá XK liên tục sụt giảm, chỉ còn khoảng hơn 35 USD/thùng. Những mặt hàng khác như than đá, khoáng sản có sự sụt giảm lớn cả về quy mô lẫn kim ngạch XK do thị trường thế giới thu hẹp.
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty CP thủy sản Cafatex. 	 Ảnh:  Hùng Huy
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty CP thủy sản Cafatex. Ảnh: Hùng Huy
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn như vậy, việc đạt được con số tăng trưởng XK 8,1% là kết quả rất tích cực. Các quốc gia đang phát triển cùng chịu chung những tác động tiêu cực trên đã ghi nhận những kết quả kém khả quan: Indonesia là -13,3%, Thái Lan: -1%, Malaysia: -0,5%. Trung Quốc cũng tiếp tục tăng trưởng XK âm trong năm 2015.

Cơ hội từ FTA
Dù kim ngạch XK của Việt Nam đã tăng mạnh nhưng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, khoảng trên dưới 1% trong tổng nhu cầu các nước, khu vực thị trường có FTA với Việt Nam. Cụ thể, năm 2014, tổng kim ngạch nhập khẩu của Hàn Quốc là 525 tỷ USD, nhưng XK của Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng gần 1,4%. Liên minh Kinh tế Á - Âu là hơn 394 tỷ USD, nhưng chỉ chiếm tỷ trọng gần 0,5%. EU là thị trường XK lớn thứ hai nhưng hàng hóa Việt Nam chỉ chiếm 1,25% cơ cấu nhập khẩu. Tổng dung lượng nhập khẩu của các nước TPP năm 2014 khoảng trên 5.094 tỷ USD, nhưng XK của Việt Nam sang các nước này chỉ chiếm khoảng 1,16% thị phần.

Năm 2016, ngành công thương đặt chỉ tiêu kim ngạch XK đạt 178 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2015, nhập siêu duy trì dưới mức 5%... Theo các chuyên gia kinh tế, để làm được điều này, đòi hỏi ngành công thương và các DN phải tận dụng các FTA mà Việt Nam đã ký kết và gia nhập mang lại. Năm 2015 được xem là năm của hội nhập, Việt Nam đã kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và ký các FTA với Hàn Quốc (VKFTA), Liên minh Kinh tế Á - Âu, Liên minh châu Âu. Như vậy, Việt Nam đã khai thông được 2 thị trường XK lớn là Mỹ và EU, mở lại thị trường truyền thống Nga, các nước SNG cũng như kết nối chặt chẽ hơn với nền kinh tế Hàn Quốc. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), các FTA mà Việt Nam tham gia dù trong khuôn khổ đa phương hay song phương đều mở rộng thị trường XK cho hàng hóa Việt Nam. Như kim ngạch XK sang Hàn Quốc tính trung bình 3 năm trước khi đàm phán VKFTA chỉ đạt trên 700 triệu USD nhưng hiện đã đạt 1,7 tỷ USD, tăng 142%. Kim ngạch XK sang Ấn Độ tính trung bình 3 năm trước khi có AIFTA đạt gần 330 triệu USD, hiện đạt 1,45 tỷ USD…

Năm 2016, tình hình chính trị, kinh tế, thương mại toàn cầu… được nhận định còn chứa đựng yếu tố bất ổn, tuy nhiên cũng mở ra những cơ hội cho XK của Việt Nam khi có hơn 55 nước, trong đó có những nền kinh tế quan trọng trở thành đối tác thương mại thông qua các FTA. Cụ thể, 7/7 nước trong nhóm G7 và 17/20 nước của G20 đều là đối tác của Việt Nam. Bên cạnh đó, FTA với thuế suất thấp, đòi hỏi chất lượng hàng hóa cao cũng giúp DN đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, giảm bớt phụ thuộc vào một số thị trường nhất định. Việc này giúp phòng tránh tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc, dễ nảy sinh nguy cơ mất ổn định nếu có sự thay đổi đột ngột từ phía nguồn cung. Ngoài ra, các FTA không chỉ mở cửa thị trường cho hàng Việt Nam XK mà còn tạo những áp lực nhất định để DN Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng... Đây cũng là cơ hội không thể bỏ qua của các DN từ các thị trường còn quá nhiều dư địa để đẩy mạnh XK trong năm 2016 và những năm tiếp theo.
Một trong những khó khăn nhất của chúng ta không phải là sản xuất, vì năng lực sản xuất của Việt Nam khá tốt, thậm chí còn dư thừa, chẳng hạn như gạo, hiện dư thừa khoảng 7 - 8 triệu tấn; cà phê, chè, thủy sản… Nhưng để tận dụng được cơ hội mà các FTA mang lại đòi hỏi chính các DN phải đáp ứng được những yêu cầu, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu hàng hóa. Chính vì thế, có nắm bắt được cơ hội hay không phụ thuộc lớn vào yếu tố nội tại của DN, trong khi đây là điểm yếu của phần lớn DN trong nước.
Ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng Bộ Công Thương

Để năm 2016 đạt được mục tiêu XK, tôi cho rằng cần thực thi tốt các FTA, ưu đãi mà FTA mang lại, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho DN, thủ tục cấp phép thông thoáng, dễ dàng giúp DN tiết kiệm thời gian, chi phí làm cho hàng hóa cạnh tranh hơn… Bên cạnh đó, các ngành hàng XK của Việt Nam cũng cần chủ động tìm kiếm thị trường mới như khu vực châu Phi, Mỹ Latinh, thay vì chú trọng vào các thị trường Mỹ, Đông Bắc Á.
TS Lê Quốc Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại Bộ Công Thương
Việc Việt Nam ký kết nhiều FTA sẽ tạo ra những cơ hội mới cho ngành dệt may tăng kim ngạch XK. Với TPP, Việt Nam sẽ trở thành thành viên của chuỗi giá trị toàn cầu; còn các FTA giúp ngành dệt may trong nước cân bằng thị trường XK, tránh phụ thuộc quá lớn vào một thị trường và bản thân DN cũng có lợi thế trung hạn so với các đối thủ trong khu vực khi đưa hàng vào EU hay Mỹ...
Ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam