Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu da giày tăng trưởng chưa bền vững

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù có sự tăng trưởng ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu (KNXK) thời gian gần đây do có sự hậu thuẫn lớn từ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), nhưng ngành da giày vẫn chưa khắc phục được điểm yếu là tỷ lệ gia công còn khá lớn trong giá trị sản phẩm, khiến lợi nhuận doanh nghiệp (DN) thu về chưa tăng đáng kể…

Nhiều thị trường tăng trưởng đột biến

Thông tin mới nhất từ Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), XK da giày tính đến đầu tháng 7 đã đạt tốc độ tăng trưởng trên 14%, ngành túi xách trên 18%, cao hơn dự báo. Đây là mức tăng khá mạnh so với cùng kỳ các năm trước, tín hiệu tốt cho thấy mục tiêu đạt 12 tỷ USD KNXK năm nay là khả thi.

Đáng chú ý, tình hình XK sang các thị trường truyền thống cũng rất khả quan, như XK sang Mỹ tăng trên 23%, Nhật Bản tăng trên 40%... Đặc biệt, XK sang một số thị trường nhỏ, thị trường “ngách” đã tăng đột biến như Chile và Hy Lạp tăng 80%, Israel tăng trên 120%, Ba Lan trên 160%… Lãnh đạo Lefaso nhận định, gia tăng đều đặn KNXK trong năm 2013 và nửa đầu năm 2014 có được nhờ 2 nguyên nhân: Tăng XK vào thị trường truyền thống và tăng mạnh XK vào các thị trường nhỏ, mới. Đồng thời, việc tiếp tục được hưởng GSP với mọi mặt hàng XK sẽ giúp Việt Nam duy trì lợi thế với thị trường EU.

 
Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty TNHH Nhà nước MTV Giày Thụy Khuê.	 Ảnh: Thanh Hải
Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty TNHH Nhà nước MTV Giày Thụy Khuê. Ảnh: Thanh Hải

Bên cạnh đó, tiến trình đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp hoàn thành chắc chắn sẽ là cơ hội tăng XK cho sản phẩm da giày. Với lợi thế ổn định về chính trị, lao động, Việt Nam cũng đang thu hút rất nhiều đơn hàng từ các thị trường khác chuyển qua. Đến thời điểm này, đa số DN da giày XK đã có đơn hàng đến hết quý III, thậm chí đến cuối năm 2014.

Để tăng trưởng đi vào thực chất

Sau hơn 20 năm phát triển, dù ngành công nghiệp da giày của Việt Nam luôn tăng sản xuất và XK đều đặn, song tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm XK mới đạt trên 50%. Các DN vẫn chủ yếu hoạt động gia công, nên thành công lớn nhất của ngành có lẽ chỉ là giải quyết được nhiều lao động tay nghề thấp.

Về vấn đề này, ông Diệp Thành Kiệt - Phó Chủ tịch Lefaso cho rằng, tăng trưởng XK của ngành da giày trên thực tế mới tốt trên hình thức. Bởi các chủ thuê gia công nước ngoài đã áp dụng "định mức" lợi nhuận cho các nhà gia công XK, nên lợi nhuận gia công của DN Việt hiện cao nhất cũng chỉ chiếm 7 - 8% giá trị mỗi đôi giày, giảm 3 - 5% so với vài năm trước. Điều đó dẫn đến tích lũy tái đầu tư của DN gần như không còn, DN suy giảm mạnh khả năng tự bảo vệ trước rủi ro về chi phí.

Theo các chuyên gia, giá xăng, dầu, điện nước… lần lượt "leo thang", kéo theo tăng giá hàng loạt nguyên phụ liệu. Chỉ cần chi phí đầu vào tăng 3 - 4% thì DN da giày đã gặp không ít khó khăn để giải bài toán lợi nhuận. Bởi thế, dù nhiều đơn hàng, nhiều DN làm không hết việc nhưng lợi nhuận thu về thậm chí có xu hướng giảm.Nhiều DN chia sẻ, lối thoát của ngành chỉ có thể là tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm thông qua phát triển công nghiệp hỗ trợ có chiến lược phát triển thương hiệu giày Việt Nam để vừa tăng giá trị, vừa tăng lượng XK… Tuy nhiên, với khả năng tích lũy hiện tại của các DN nội và sự lấn át của DN ngoại, để làm được điều này chỉ với nỗ lực của DN là khó thành công, mà cần sớm có tác động thông qua những chính sách cụ thể. Việc quy hoạch các khu công nghiệp hỗ trợ, cụm công nghiệp nhỏ, trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu… để nâng giá trị sản phẩm là giải pháp tăng trưởng bền vững. Mặt khác, trong chiến lược XK chung, các đơn hàng cần tính đến nhiều giải pháp nâng cao nội địa hóa để hưởng ưu đãi trong các hiệp định thương mại của Việt Nam đã ký kết. Về phía DN, để nắm bắt cơ hội từ thị trường, các chuyên gia khuyến cáo cần tăng cường đầu tư nâng cấp công nghệ, hiện đại hóa sản xuất đi đôi với phát triển thương hiệu.