Đến thời điểm này, hơn 50% doanh nghiệp (DN) dệt may tham gia XK đã có đơn hàng quý I/2013, 10% trong số đó đã có đơn hàng ký kết đến quý II, III. Giới chuyên gia dự báo, dù còn không ít khó khăn, song nhiều tín hiệu khả quan từ các thị trường nhập khẩu (NK) là cơ sở để tin tưởng XK dệt may sẽ tăng trưởng khá trong năm nay.
Tín hiệu lạc quan từ các thị trường
Vượt qua khó khăn của năm 2012, ngành dệt may bước sang năm 2013 hứa hẹn sẽ có nhiều triển vọng khả quan tại các thị trường XK chính, do kinh tế thế giới đang có những tín hiệu tích cực. Tổng nhu cầu dệt may toàn thế giới năm 2013 dự kiến tăng 2,32%, đạt 713 tỷ USD. Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường XK lớn nhất của dệt may Việt Nam. Tình hình kinh tế Mỹ sẽ chuyển biến khả quan, nên dự báo tổng NK hàng dệt may vào Mỹ tăng 3% so với năm ngoái. Hiện, dệt may đang đóng góp tới 50% tổng kim ngạch hàng XK của Việt Nam vào Mỹ, phấn đấu năm nay sẽ đạt 8,5 tỷ USD, tăng 11%.
Nhiều tín hiệu khả quan từ các thị trường nhập khẩu là cơ sở để ngành dệt may tăng trưởng trong năm nay. Trong ảnh: May hàng xuất khẩu tại Công ty CP May 10. Ảnh: Trần Việt
Tại Nhật Bản, các mặt hàng XK thế mạnh của Việt Nam là áo sơ mi, áo jacket, quần áo trẻ em, quần jean… vẫn tăng trưởng khả quan do ngành đã chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng, độ tinh xảo, đảm bảo quy định khắt khe về nhãn mác, thành phần sợi vải… Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) dự báo, cùng với việc tiếp tục hưởng lợi từ các hiệp định kinh tế song phương, XK dệt may Việt Nam vào Nhật năm nay sẽ vượt qua cả EU, tăng trưởng 18%, ước đạt 2,4 triệu USD.
Với thị trường EU, trong những tháng cuối năm 2012, XK dệt may Việt Nam sang thị trường này bắt đầu hồi phục. Dự báo XK dệt may Việt Nam vào EU năm nay sẽ đạt tổng kim ngạch 2,4 tỷ USD. Tại Hàn Quốc, dù tăng trưởng XK dệt may Việt Nam sang Hàn Quốc năm qua thấp hơn thời gian trước nhưng xét trong tình hình kinh tế chung, đây vẫn là tín hiệu khả quan về năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam. Dự báo kim ngạch XK dệt may sang Hàn Quốc năm nay đạt 1,5 tỷ USD, tăng 15%.
Tăng năng lực cạnh tranh
Năm 2013, dệt may Việt Nam đặt kế hoạch tăng trưởng 10,4 - 12% so với năm ngoái, đạt kim ngạch XK 18,8 - 19,3 tỷ USD, thậm chí nếu điều kiện tốt hơn có thể đạt 20 tỷ USD. Nếu đạt kết quả này, ngành sẽ về đích trước 2 năm so với kế hoạch.
Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Vitas cho biết, để đạt được mục tiêu đặt ra, ngành dệt may đang triển khai các giải pháp tăng cường năng lực cạnh tranh cho toàn ngành, chú trọng phát triển cụm công nghiệp theo chuỗi giá trị, phát triển ngành thiết kế và thời trang, phát triển thương mại điện tử, tăng cường đào tạo nhân lực, đầu tư vào dệt nhuộm hoàn tất... Muốn làm được điều này, bản thân DN phải tự chuyển đổi cơ cấu hoạt động, trình độ quản lý và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhấn mạnh, DN cần chú ý củng cố vị thế cạnh tranh trên cơ sở chiến lược đúng đắn, bằng cách tăng năng suất lao động, đi vào những mặt hàng có yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng cao, tận dụng khả năng linh hoạt của DN Việt trong việc đáp ứng các đơn hàng quy mô nhỏ và vừa với thời gian giao hàng tương đối gấp, nhằm hình thành những đặc thù của thị trường ngách cho ngành dệt may thời gian tới.
Trong bối cảnh NK dệt may của các thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản đều giảm hoặc tăng chậm lại, XK dệt may và xơ sợi dệt Việt Nam năm 2012 vẫn đạt 17,2 tỷ USD, tăng 8,5% so với năm trước. Tín hiệu khả quan đó chứng tỏ dệt may không những giữ vững mà còn đang cải thiện đáng kể thị phần tại các thị trường XK chính. Ông Lê Tiến Trường Phó Tổng Giám đốc Thường trực Vinatex |