Năm 2018, kim ngạch XK của TP Hà Nội tăng trưởng mạnh mẽ. Xin ông cho biết, kết quả XK của TP Hà Nội thể hiện như thế nào?
Ông Nguyễn Thanh Hải |
Một số mặt hàng XK có kim ngạch tăng trưởng khá cao so cùng kỳ năm trước như: Nông sản, dệt may, điện tử... Các khu vực đều có sự tăng trưởng đáng ghi nhận, trong đó khu vực DN ngoài Nhà nước có mức tăng trưởng ấn tượng (35,3%) chỉ sau khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Mặc dù kết quả XK của Hà Nội khá cao nhưng nếu xét cả quá trình thì chưa tương xứng với tiềm năng. Vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?
- Hà Nội có đặc thù là không thể tự cung ứng đầu vào cho sản xuất hàng XK nên phải phụ thuộc vào thu mua từ các địa phương khác, đòi hỏi các DN Hà Nội phải có sự liên kết chặt chẽ để bảo đảm sự ổn định. Đây chính là bất lợi cần nhận diện để khắc phục. Thực tế cho thấy, bên cạnh sự tăng trưởng ổn định và phục hồi của hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn còn những ngành hàng gặp nhiều khó khăn.
Đơn cử, nhóm giày dép các loại và sản phẩm từ da giảm 2,7% so cùng kỳ năm 2017, do các DN không ký các hợp đồng dài hạn; giảm giá thành gia công từ các thị trường Mỹ và EU… Ngoài ra, do quỹ đất có hạn nên một số DN đã chuyển cơ sở sản xuất sang địa bàn các tỉnh khác, làm mất cơ hội bổ sung năng lực XK của Hà Nội.
Để tăng kim ngạch xuất khẩu, bên cạnh sự cố gắng của DN, Sở Công Thương Hà Nội đã có những hoạt động hỗ trợ DN trong quá trình tìm kiếm mở rộng thị trường XK ra sao, thưa ông?
- Trong thời gian qua, Sở Công Thương và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội đã liên tục tổ chức các chương trình xúc tiến ở nước ngoài thông qua việc tham gia các hội chợ quốc tế có quy mô lớn. Trong đó đặc biệt chú trọng tới những thị trường Việt Nam đã ký kết các FTA, đồng thời đón các đoàn DN quốc tế vào giao dịch thương mại tại Hà Nội. Qua đó hỗ trợ các làng nghề, DN nông sản, dệt may có cơ hội tìm kiếm bạn hàng tiêu thụ sản phẩm.
TP và các DN cũng tận dụng việc nhiều hệ thống siêu thị, tập đoàn phân phối của nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam và Hà Nội như: Auchan, Central Group, Aeon... để đưa hàng hóa trong nước xâm nhập vào hệ thống bán lẻ quốc tế, hạn chế các khâu trung gian. Đặc biệt, UBND TP Hà Nội đã ký ban hành Kế hoạch đẩy mạnh XK.
Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng cơ chế chính sách đẩy mạnh sản xuất, XK; nâng cao sức cạnh tranh cho DN, nhà sản xuất; tăng cường thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ hoạt động kinh doanh, XK; tạo dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa... TP cũng yêu cầu các sở, ngành coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay để đẩy mạnh XK trên địa bàn.
Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt, Quốc hội vừa phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CP TPP). Vậy theo ông, thời gian tới DN Hà Nội nên tận dụng những cơ hội này như thế nào?
- Muốn tận dụng những lợi ích mà các FTA mang lại, DN cần tham gia trực tiếp vào một số khâu trong quá trình sản xuất, chủ động đổi mới mẫu mã hàng hóa phù hợp thị hiếu của từng thị trường, giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng thương hiệu. Đồng thời áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, sản xuất sản phẩm hữu cơ và đặc sản; xây dựng thương hiệu cũng như thiết lập các mối quan hệ đối tác, hợp tác, tận dụng cơ hội XK từ các FTA Việt Nam đã ký kết... Bên cạnh đó, bản thân DN cũng phải đặt mục tiêu không chỉ nhắm đến việc chiếm lĩnh thị trường mà phải chiếm lĩnh được các ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đòi hỏi UBND TP Hà Nội có thêm chính sách khuyến khích DN phát triển dịch vụ logistics, bảo hiểm, ngân hàng... Đây là thế mạnh của Hà Nội nhờ nguồn tài chính và chất lượng nhân lực chất lượng cao.
Xin cảm ơn ông!