Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu lao động: Kỳ vọng năm 2011

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Với những diễn biến trên thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) năm 2010, không ít chuyên gia cho rằng, năm 2011 vẫn là một năm các doanh nghiệp gian nan trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

KTĐT - Với những diễn biến trên thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) năm 2010, không ít chuyên gia cho rằng, năm 2011 vẫn là một năm các doanh nghiệp gian nan trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

 

Nhưng các nhà quản lý vẫn hy vọng, với nhiều chính sách mới được mở ra, hoạt động xuất khẩu lao động sẽ có bước đột phá mới.

 

Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) cho biết: Năm 2010, dù không thực sự khởi sắc, nhưng thị trường XKLĐ có nhiều dấu hiệu khả quan. Hồi phục mạnh mẽ nhất là thị trường Malaysia với 12.000 lao động đi làm việc (năm 2009, chỉ có 3.500 lao động), thị trường Li Bi, Ma Cao có nhiều hợp đồng tốt.

 

Tuy nhiên, số lượng lao động xuất khẩu được cũng không vượt con số 85.000 như mục tiêu đã đặt ra. Đài Loan vẫn đứng đầu bảng và số lượng này chiếm hơn 1/3 tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài với gần 26000 lao động, Hàn Quốc 7.693 người, Nhật Bản 4.215 người… Các thị trường thu nhập cao như các nước Đông Âu, Mỹ, Canada gần như không "im lặng".

 

Nguyên nhân khiến XKLĐ năm 2010 chưa thể bứt phá, theo các chuyên gia: Mặc dù không nước nào hạn chế tiếp nhận lao động Việt Nam, nhưng có nhiều hàng rào kỹ thuật được dựng lên như: không tuyển một số ngành vốn đông ứng viên; trình độ kỹ thuật, chất lượng nguồn nhân lực phải cao hơn... Thực tế có một vòng luẩn quẩn đang xảy ra với XKLĐ, khi lao động trong nước có nhu cầu thì doanh nghiệp khó khai thác đơn hàng, nhưng khi có đơn hàng thì lại khó kiếm lao động. Malaysia vẫn là một trong những thị trường truyền thống đầy tiềm năng và được các doanh nghiệp hướng tới, nhưng chính các doanh nghiệp làm thị trường này lại luôn lâm vào cảnh dở khóc dở cười vì không tuyển được nguồn.

 

Năm 2011, Bộ LĐTB&XH đưa ra mức chỉ tiêu là đưa 87.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài các thị trường truyền thống, một số thị trường khác cũng được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh như Đông Âu (Ba Lan, Belarus), thị trường Trung Đông và châu Phi (Israel, Libya, Angola). Trong đó, Trung Đông được nhận định là thị trường trọng điểm trong những năm tới với các nghề có nhu cầu cao như hàn, xây dựng, cơ khí, dịch vụ… Thị trường châu Á vẫn trở thành "tâm điểm" và Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc sẽ thu hút nhiều lao động Việt Nam.

 

Các doanh nghiệp cũng đang dồn sức, đầu tư chuẩn bị tốt nguồn lao động có nghề và trình độ nghề cao với hy vọng năm 2011 thị trường XKLĐ sẽ khởi sắc, tuy nhiên, sẽ gặp không ít khó khăn. Đài Loan có thể vẫn là thị trường dẫn đầu, nhưng đưa lao động sang Đài Loan đang trở nên khó khăn hơn khi phí môi giới quá cao. Thực tế cho thấy, lao động trong nước đã không còn mặn mà với thị trường này khi thu nhập chỉ ở mức 6-7 triệu đồng/tháng. Nhật Bản, Hàn Quốc hiện được đánh giá là những thị trường thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt, chủ sử dụng lao động "chuộng" lao động Việt Nam. Tuy nhiên, lại bị hạn chế bởi số lượng, như Nhật Bản đều đặn mỗi năm chỉ tiếp nhận hơn 4.000 lao động Việt Nam. Hàn Quốc dù rất ưu ái cho lao động Việt Nam về số lượng, nhưng lại đưa ra nhiều quy định nghiêm ngặt về trình độ tay nghề, đặc biệt là khả năng nghe nói tiếng Hàn.

 

Sự thay đổi của thị trường lao động trong nước cũng đặt ra bài toán cho hoạt động XKLĐ. Không thể cứ trông chờ vào việc đưa lao động giản đơn đi làm việc ở nước ngoài, việc đào tạo nguồn lao động chất lượng, am hiểu pháp luật để đáp ứng những tiêu chuẩn của các thị trường thu nhập cao, tạo vị thế của lao động Việt Nam ở nước ngoài là việc cần được đầu tư ngay. Để giữ thế cạnh tranh, điều đầu tiên cần quan tâm chính là nâng cao chất lượng lao động. Trong thời gian tới, Cục Quản lý lao động ngoài nước, doanh nghiệp và các trường sẽ đẩy mạnh đào tạo nghề theo cơ chế đấu thầu, để đào tạo đúng địa chỉ, cấp kinh phí đúng nơi, tập trung vào các nghề công nghệ cao như đốc công, điều dưỡng viên... Theo ông Đào Công Hải, Cục sắp triển khai xây dựng cơ cở dạy nghề cho LĐXK ở Thanh Hoá do UAE hỗ trợ kinh phí, quy mô khoảng 500 học viên… Tuy nhiên, trước mắt vẫn chưa thể bỏ qua việc tuyển chọn một bộ phận lao động chưa có nghề, hoặc trình độ nghề thấp để đáp ứng yêu cầu của thị trường cấp thấp và nguyện vọng của người lao động, đồng thời tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường XKLĐ.